Những ngày qua, tại hai trung tâm dịch vụ lớn nhất và đa dạng nhất ở nước ta là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hàng nghìn người dân xếp hàng làm thủ tục đổi giấy phép lái xe bằng giấy sang vật liệu nhựa. Nhiều nơi do quá đông nên người dân phải chen chân, đứng đợi cả ngày vẫn chưa đến lượt...
Hiện tượng trên bắt nguồn từ việc, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang lấy ý kiến góp ý, có nội dung đề xuất đổi toàn bộ giấy phép lái xe bằng giấy sang vật liệu nhựa nhằm thực hiện tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhiều người không tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ “nghe nói”, “nghe đồn”, lo sợ sẽ bị Cảnh sát giao thông xử phạt nên đổ xô đi đổi giấy phép lái xe gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ tại các điểm tiếp nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe của ngành Giao thông - Vận tải.
Sau khi công tác truyền thông được đẩy mạnh, cơ quan chức năng khẳng định, giấy phép lái xe cũ vẫn còn giá trị sử dụng, hiện chưa có quy định bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe từ vật liệu giấy sang vật liệu nhựa, người dân hiểu rõ chính sách, tình trạng đổ xô đi đổi giấy phép lái xe đã chấm dứt. Thực tế, việc cấp đổi giấy phép lái xe sang loại nhựa là dự thảo luật, các cơ quan chức năng đang phối hợp xây dựng lộ trình để thông qua.
Câu chuyện trên một lần nữa cho thấy, rõ ràng công tác truyền thông chính sách chưa được làm tốt. Trong khi đây lại là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến mọi vấn đề của xã hội. Làm tốt công tác truyền thông sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách.
Những năm qua, truyền thông chính sách ở nước ta đã góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa “hơi thở” cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Song, bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Một số chủ trương, chính sách đúng nhưng chưa được truyền thông tốt, người dân chưa hiểu hết nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Truyền thông chính sách một cách hiệu quả là giải pháp quan trọng để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống và mang “hơi thở” cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Hiểu rõ vai trò của công tác này nên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg (ngày 30-3-2022) phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. Tiếp đó, ngày 21-3-2023, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Để làm tốt công tác truyền thông chính sách, bên cạnh nhận thức, quyết tâm, còn phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó là tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách...
Quay trở lại câu chuyện trên, rõ ràng, khi truyền thông chính sách tốt, người dân hiểu, nắm rõ thông tin nên không còn đổ xô đi đổi giấy phép lái xe. Các điểm cấp đổi tránh được cảnh ùn tắc, quá tải, nhân viên phục vụ đỡ vất vả, mà người dân cũng đỡ mất thời gian, công sức, tiền bạc. Trước đó, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng nhờ làm tốt công tác truyền thông, các tầng lớp nhân dân đã tin tưởng và ủng hộ chính quyền chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, đưa xã hội trở về trạng thái bình thường mới...
Chính vì vậy, truyền thông chính sách rất cần được coi trọng và đặt đúng tầm nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.