(HNM) - Việc cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch, đề án của thành phố, đưa nghị quyết vào cuộc sống là nhiệm vụ trọng tâm, được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội thực hiện tốt trong thời gian qua. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, các cấp hội phụ nữ thành phố đã tập hợp, đoàn kết, phát huy tốt vai trò của hội viên trong triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Triển khai nghiêm túc, bài bản các chương trình, kế hoạch, đề án
- Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về việc Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án của thành phố trong năm 2022?
- Sau 1 năm triển khai nghiêm túc, bài bản các kế hoạch thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, kết quả nổi bật là Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” để cụ thể hóa Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” để cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” và Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Đầu tháng 10-2022, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cũng đã tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 5-8-2022 của UBND thành phố Hà Nội về “Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”, Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”, Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026”...
- Vấn đề an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung, của phụ nữ nói riêng luôn được quan tâm. Vậy việc thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII được các cấp hội phụ nữ thành phố triển khai ra sao, thưa đồng chí?
- Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã xây dựng những kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa Chương trình số 08-CTr/TU gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội năm 2022, tập trung vào các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phụ nữ chăm sóc sức khỏe, giảm nghèo, đào tạo nghề và đào tạo việc làm… Điển hình là chương trình “Mẹ đỡ đầu” được triển khai sâu rộng tại các cấp hội. Tính đến hiện tại, trên địa bàn thành phố đã có 1.020 trẻ em mồ côi được nhận đỡ đầu...
Các cấp hội cũng tập trung tổ chức những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19. Ngoài ra, các cấp hội giúp 3.168 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn thoát nghèo, phát triển kinh tế... Chỉ riêng 9 tháng năm 2022, các cấp hội đã xây dựng, sửa chữa 87 “Mái ấm tình thương”; trao tặng 20.320 suất quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam.
Nêu cao ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần sáng tạo
- Được biết, năm 2022, cụ thể hóa các kế hoạch, đề án, các cấp hội phụ nữ thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt là công tác bình đẳng giới và phong trào chống rác thải nhựa là hai vấn đề cả xã hội quan tâm. Đồng chí có thể chia sẻ những nét cơ bản về việc làm này?
- Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, chúng tôi tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong các cấp, ngành, xã hội; thực hiện các chương trình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Mới đây, chúng tôi cũng tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai dự án về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” giai đoạn I từ năm 2022 đến năm 2025. Các mô hình tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em được nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động.
Đối với hoạt động chống rác thải nhựa, trong phong trào có rất nhiều mô hình đã được triển khai, thực hiện tại các cấp hội, như mô hình sử dụng làn nhựa, hộp nhựa đi chợ, gấp túi giấy thay túi ni lông, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, thùng rác thân thiện, chi hội nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần... Hiện có hơn 120 cơ sở triển khai các mô hình này. Các cấp hội cũng đã tặng hơn 40.000 làn nhựa, 200.000 túi giấy, túi thân thiện với môi trường, gần 60.000 bình thủy tinh cho cán bộ, hội viên phụ nữ… Các mô hình này đã và đang lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.
- Thời gian tới, để các chương trình, kế hoạch, đề án của thành phố thực sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội và thực tiễn phong trào phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai hoạt động như thế nào?
- Chúng tôi đưa ra yêu cầu các cấp hội phụ nữ vận dụng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án của thành phố theo phương châm thiết thực. Từ đó đòi hỏi các cấp hội, cán bộ hội, nhất là người đứng đầu phải nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động, phát huy tinh thần sáng tạo. Đặc biệt là phải thực sự dựa trên đặc điểm, tình hình, nhu cầu của hội viên, phụ nữ từng địa phương, từ đó đưa ra cách thức, nội dung triển khai phù hợp, hiệu quả.
Đơn cử, mới đây chúng tôi đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm 6 chỉ tiêu và 6 nhóm nội dung, giải pháp.
Trong đó có: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới… Phấn đấu hằng năm, các cấp hội vận động, hỗ trợ 1.200 hộ gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”, văn minh hạnh phúc; 100% hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ được giúp đỡ nâng cao mức sống; 100% vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em được Hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng…
Với niềm tự hào và tình yêu Hà Nội, cán bộ, hội viên, phụ nữ quyết tâm thực hiện thật tốt trách nhiệm của mình, hoàn thành mục tiêu, góp phần xây dựng Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.