Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy vai trò công tác đối ngoại trong giai đoạn mới

Minh Hiếu| 20/01/2021 06:42

(HNM) - Quán triệt sâu sắc những yêu cầu về nâng cao hiệu quả hoạt động được đặt ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu, thắng lợi nổi bật. Trong những năm tới, phát huy các thành quả đạt được, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục triển khai toàn diện, sâu rộng để góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 chủ trì họp báo quốc tế thông báo về kết quả Đại hội đồng AIPA 41, ngày 10-9-2020. Ảnh: Nhật Bắc

Giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển

Nhận thức, đánh giá về vai trò to lớn của công tác đối ngoại trong tình hình mới được thể hiện từ việc, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; coi đây là một trong những giải pháp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2016-2020. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là: “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước... Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”.

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu… tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi quốc gia và vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế then chốt, được bạn bè, đối tác đánh giá cao, đồng thời trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do quan trọng, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển.

Chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh của Nga Grigory Trofimchuk nhận xét, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng hợp tác quốc tế vì sự phát triển của đất nước, không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ hợp tác tại khu vực Đông Nam Á. Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia đáng tin cậy với chỉ số tăng trưởng ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. 

Riêng năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Với việc đồng thời đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp cùng nhiều thách thức chưa từng có, Việt Nam đã có những hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt, với những sáng kiến, đề xuất được bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới khi "vàng" đã được "thử lửa".

Đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân nhận định, tư duy, nhận thức, quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế là một quá trình liên tục được bổ sung qua các kỳ Đại hội. Đại hội XII của Đảng đánh dấu bước phát triển nhận thức và lý luận về hội nhập quốc tế khi Đảng ta tiếp tục xác định “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”; khẳng định “hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và hệ thống chính trị”. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã đề xuất nâng tầm hội nhập quốc tế lên mức cao hơn với nội dung “toàn diện, sâu rộng”.

Trong bài viết với tiêu đề "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức với rất nhiều vấn đề mới đặt ra. Đây chắc chắn cũng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Trên cơ sở vững chắc từ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, đất nước ta đã bước sang giai đoạn tham gia sân chơi quốc tế trong một tâm thế hoàn toàn mới với niềm tự hào “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Trong giai đoạn chiến lược mới, giữa vô vàn thách thức và cơ hội đan xen, hội nhập quốc tế tiếp tục được khẳng định là một chủ trương chiến lược hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đây là cơ sở để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giúp tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò công tác đối ngoại trong giai đoạn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.