Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy tự chủ tuyển sinh đại học

Thống Nhất| 01/12/2022 07:31

(HNM) - Kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 dự báo có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là trong phương thức tuyển sinh, nhằm tạo thêm cơ hội học tập tốt hơn cho thí sinh. Các cơ sở đào tạo đã và đang phát huy quyền tự chủ để xây dựng và triển khai phương thức tuyển sinh phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, giảm áp lực cho thí sinh.

Tư vấn tuyển sinh đại học năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 7-2022. Ảnh: Minh Đức

Thêm thuận lợi cho thí sinh

Thực hiện Luật Giáo dục đại học và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ nay đến năm 2025, các cơ sở đào tạo ngày càng được tự chủ cao trong công tác tuyển sinh. Theo đó, các trường có thể tổ chức tuyển sinh bằng nhiều phương thức như thi tuyển, xét tuyển, kết hợp vừa thi tuyển và xét tuyển... Các trường cũng được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đáp ứng nhu cầu người học và điều kiện bảo đảm chất lượng của đơn vị, được chủ động điều chỉnh các chương trình đào tạo... Tinh thần này đã được thực hiện trong kỳ tuyển sinh năm 2022.

Tiếp tục phát huy quyền tự chủ, thời điểm này, một số cơ sở đào tạo đã công bố phương thức hoặc có thông tin định hướng tuyển sinh năm 2023, giúp thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất. Trường Đại học Kinh tế quốc dân là đơn vị đầu tiên trên cả nước công bố quy chế tuyển sinh đại học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, năm 2023, nhà trường dự kiến giữ chỉ tiêu tuyển sinh ổn định, phương thức xét tuyển chủ yếu là xét tuyển kết hợp, tinh giản theo hướng sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Phát huy quyền tự chủ, năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tại một số tỉnh, thành phố như năm 2022. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, đơn vị đã thống nhất với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh về việc hai bên sẽ công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau để tránh tình trạng thí sinh phải tham dự nhiều kỳ thi. Với cách thức này, thí sinh có thể tham dự kỳ thi của một đơn vị và dùng kết quả đó đăng ký dự tuyển vào các trường có sử dụng kết quả của hai đại học quốc gia để xét tuyển. Năm 2022, có hơn 60 đơn vị sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển.

Với việc được tự chủ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa thông báo dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy làm 3 đợt, tăng 2 đợt so với năm 2022. Trường giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đích đến vẫn là nâng chất lượng

Kỳ tuyển sinh năm 2022 cho thấy sự chuyển dịch của các trường trong việc phát huy quyền tự chủ, khi giảm dần tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển truyền thống, bổ sung một số phương thức khác và đích đến vẫn là nâng chất lượng "đầu vào". Tuy nhiên, việc khuyến khích các trường phát huy quyền tự chủ, thực hiện đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm tăng thuận lợi, giảm áp lực cho thí sinh có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo hay không cũng là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường quyết tâm tổ chức tốt kỳ thi đánh giá tư duy với mong muốn giúp thí sinh có thêm kênh đánh giá thực chất, công bằng, thuận lợi trong xét tuyển và giảm chi phí. Đề thi sẽ được thiết kế theo hướng hạn chế thấp nhất việc học sinh trúng tuyển nhờ ôn luyện nhồi nhét, học tủ, từ đó tác động tích cực trở lại đối với việc dạy học ở trường phổ thông.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, việc áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh không phải là vấn đề đáng quan ngại với chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo, bởi mỗi phương thức đều có quy định cụ thể về chuẩn “đầu vào”. Việc được tự chủ còn gắn với việc chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và người học, vì vậy, các trường không thể tuyển sinh ào ào cho đủ chỉ tiêu.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 80% số trường triển khai tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo đã đạt kết quả tích cực. Nhiều trường đã tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển, nhằm tuyển sinh được các đối tượng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của ngành nghề đào tạo. Không ít trường đã đăng ký sử dụng kết quả của các kỳ thi đánh giá tư duy do các cơ sở đào tạo có uy tín triển khai để tăng cơ hội cho thí sinh, giảm sự lệ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Rõ ràng, việc được tự chủ trong tuyển sinh đã và đang có nhiều tín hiệu tích cực. Dù vậy, vẫn cần có những giải pháp mạnh trong quản lý, điều hành để tránh việc tự chủ quá đà, đột ngột đưa ra các phương thức tuyển sinh gây sốc cho thí sinh, khiến dư luận xã hội bức xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tự chủ tuyển sinh đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.