Chính trị

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng vươn cao, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại

Hànộimới và CTV 17/03/2023 06:06

Ngày 17-3-1930, Đảng bộ thành phố Hà Nội ra đời (chỉ sau hơn 40 ngày Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập). Trải qua 93 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng bộ Thủ đô luôn khẳng định vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong tình hình mới, Đảng bộ xác định quyết tâm, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng vươn cao, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Ngày 17-3-1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc (nơi ở của đồng chí Đỗ Ngọc Du), trụ sở của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội, Ban Chấp hành lâm thời của Thành Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Đồng chí Đỗ Ngọc Du làm Bí thư Thành ủy lâm thời. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Cuối tháng 4-1930, đồng chí Đỗ Ngọc Du được Trung ương điều đi công tác ở nước ngoài. Tháng 6-1930, đồng chí Trần Văn Lan, Ủy viên Trung ương Đảng triệu tập cuộc họp ở nhà số 177 phố Hàng Bông để kiện toàn tổ chức, Thành ủy Hà Nội được thành lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư cùng 2 đồng chí ủy viên là Lê Đình Tuyển và Đỗ Danh Cưu.

Ngôi nhà số 42 phố Hàng Thiếc.

Mặc dù còn rất non trẻ, hoạt động trong bối cảnh bị thực dân Pháp ráo riết thực hiện khủng bố trắng nhưng Đảng bộ Thành phố đã thể hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu kiên cường, bất khuất... Tuy bị địch phá vỡ nhiều lần, nhưng cứ mỗi lần vỡ, Thành ủy Hà Nội lại nhanh chóng được tái lập. Khó khăn chồng chất, nhiều đồng chí lãnh đạo của Thành ủy, nhiều đảng viên và quần chúng trung kiên bị bắt, như các đồng chí: Nguyễn Ngọc Vũ, Lê Đình Tuyển, Đặng Xuân Khu, Đinh Xuân Nhạ, Giang Đức Cường, Hoàng Ngọc Bảo... Nhưng dù trong hoàn cảnh gian khổ tới đâu, tổ chức Đảng của Hà Nội càng cho thấy sức sống mãnh liệt, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho những sứ mệnh lớn lao khi thời cơ đến. 

Ngày 17-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng cách mạng đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, biến diễn đàn của chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mít tinh tuyên truyền đường lối cách mạng, kêu gọi toàn dân tổng khởi nghĩa. Sáng sớm ngày 19-8, cả Hà Nội nhất tề vùng lên, lực lượng vũ trang tổ chức thành hai cánh tỏa đi đánh chiếm cơ quan trọng yếu của địch như: Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Kho bạc, Bưu điện, Sở cảnh sát, Trại bảo an binh, Ty Liêm phóng Bắc kỳ... Cùng với đó, Mặt trận Việt Minh cử đoàn cán bộ trực tiếp đàm phán với quân Nhật. Tối 19-8-1945, các cơ quan trọng yếu của triều đình Bảo Đại tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền “long trời, lở đất” tháng Tám năm 1945 diễn ra với sức mạnh và tốc độ phi thường, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã ghi thêm một chiến công chói lọi trong trang sử vàng truyền thống đấu tranh bất khuất của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đồng thời khẳng định bước trưởng thành vượt bậc về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.

Đất nước độc lập chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã trở lại cướp nước ta một lần nữa. Đêm 19-12-1946, dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Thành ủy, quân và dân Hà Nội hưởng ứng Lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở đầu “Toàn quốc kháng chiến”, chiến đấu ngoan cường với kẻ thù trong 60 ngày đêm ác liệt, mà hình ảnh người chiến sĩ ôm bom ba càng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã tạc vào trang sử vàng của dân tộc. Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trên khắp các chiến trường đều ghi dấu chiến công của những người con Hà Nội. Thủ đô đã góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mở đường cho những đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô vào ngày 10-10-1954.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, quân và dân Hà Nội tiếp tục xung kích, đi đầu trên mặt trận xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ với phương châm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, quân và dân Thủ đô đã hiệp đồng tác chiến với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố, lập nên kỳ tích Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc và quay lại bàn đàm phán. Chiến thắng vĩ đại đó đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi non sông liền một dải, Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ tái thiết, phục hồi sau chiến tranh. Dẫu gặp muôn vàn khó khăn, nhưng dù trong hoàn cảnh nào Đảng bộ Thủ đô vẫn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, nêu cao bản lĩnh, ý chí kiên cường, luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi lĩnh vực công tác. 93 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Thủ đô Hà Nội trải qua 17 kỳ Đại hội, trở thành Đảng bộ lớn nhất cả nước với tổng số hơn 470.000 đảng viên, 50 Đảng bộ cấp trên cơ sở, gần 2.700 tổ chức cơ sở Đảng và hơn 18.000 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Cùng với sự lớn mạnh về quy mô, chất lượng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên. Những năm gần đây, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từng bước được đổi mới theo tinh thần khoa học, quyết liệt, sâu sát, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường cải cách hành chính trong Đảng, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành... 

Gần 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 35 năm đổi mới, gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về “Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Đảng bộ Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô được phát huy cao độ, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn. Với kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, Hà Nội thể hiện rõ vị trí, vai trò là Thủ đô, trái tim của cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, và hội nhập quốc tế. Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã cùng đất nước đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, góp phần làm nên một Việt Nam như khẳng định trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay...”.

Càng trong những hoàn cảnh khó khăn, tinh thần quyết tâm, ý chí khát vọng của Hà Nội càng mạnh mẽ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng thành phố càng được thể hiện rõ. Hơn 2 năm chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đã kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, chủ động tập trung quyết liệt thực hiện chủ đề công tác “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”, vừa kịp thời khống chế, từng bước đẩy lùi thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sinh kế cho dân.

Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Thành phố đã hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế phục hồi nhanh, GRDP tăng trưởng 8,89%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 0,87%. Quy mô nền kinh tế đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 50 tỷ đô la Mỹ; thu nhập bình quân đầu người đạt 142,3 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt gần 333.000 tỷ đồng (vượt 6,8% dự toán). Chất lượng đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao; an sinh xã hội được đảm bảo. 

Hằng năm, Hà Nội đóng góp khoảng 1/5 số thu ngân sách nhà nước và hơn 16% GDP cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 142,3 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, hơn 8% về dân số, nhưng hằng năm Thành phố đóng góp khoảng 1/5 số thu ngân sách nhà nước và hơn 16% GDP cả nước. Quy mô nền kinh tế của Hà Nội theo thống kê đã đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 50 tỷ đô la Mỹ (cả nước đạt khoảng 409 tỷ đô la Mỹ). Thu nhập bình quân đầu người đạt 142,3 triệu đồng/người/năm. Không những thế, Đảng bộ thành phố đã chỉ đạo triển khai xây dựng những chủ trương lớn có tính chất quan trọng, lâu dài như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đầu tư vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và di tích văn hóa lịch sử; chỉ đạo quyết liệt lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050; sửa Luật Thủ đô; nghiên cứu Đề án cải tạo chung cư cũ... Những chủ trương này đã và đang góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách từ thực tiễn đặt ra, đồng thời tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển.

Luôn theo sát mỗi bước phát triển đi lên của Đảng bộ Thủ đô, Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu luôn dành cho Thủ đô Hà Nội sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua những chỉ đạo sâu sát vừa trách nhiệm, vừa tình cảm, qua đó gửi gắm đến cán bộ, quân và dân Thủ đô niềm tin yêu và kỳ vọng lớn lao. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về Hà Nội, với ba chữ “Thủ đô ta” mà Người thường dùng đã toát lên tình cảm đặc biệt gắn bó. Trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân số 236 ra ngày Thủ đô được giải phóng (10-10-1954), Người đã viết: “... Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần...”. Ngày 25-4-1959, dự Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội, một hội nghị có ý nghĩa là Đại hội lần thứ I của Đảng bộ Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: “... Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên, Lao động và Công đoàn… Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải gương mẫu cho các đảng bộ khác...”. 

Hiện thực hóa kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô. Sau tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nhân dịp đón Tết Quý Mão 2023, Đảng bộ thành phố Hà Nội vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô. Đồng chí Tổng Bí thư đã nhắc nhở, lưu ý về những lời dạy của Bác Hồ, những sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội, đồng thời nhắn nhủ rằng, chúng ta tự hào về lịch sử truyền thống vẻ vang của Thủ đô ta, vui chung về những kết quả, thành tích đã đạt được của năm 2022; song chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn, bởi còn nhiều việc phải làm với nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua... 

Bước vào năm 2023, Đảng bộ Hà Nội xác định đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển 5 năm và sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025; năm tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045” với dự báo có nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn, khó lường,... Trong bối cảnh đó, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó,... Các cấp ủy Đảng phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp. 

Các cấp, các ngành phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, công nghệ cao, giá trị cao gắn với xây dựng nông thôn mới,... Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết của Thành ủy gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch... Tất cả cùng quyết tâm, đồng sức, đồng lòng phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó cố gắng đưa GRDP tăng 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%... 

Năm 2023 còn là năm có ý nghĩa quyết định đối với việc triển khai, tổ chức thực hiện những chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược, Thành phố phải tập trung hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ Sáu dự kiến tổ chức tháng 10 - 2023.  

Qua hơn một năm thực hiện chủ trương tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích văn hoá lịch sử, đã có hơn 400 công trình được xây dựng, tu bổ, tôn tạo. Đây mới là phần nhỏ trong khối lượng công việc rất lớn đang đặt ra và mục tiêu đầu tư với tổng mức lên tới hơn 49.200 tỷ đồng cho cả ba lĩnh vực trên. Cùng với đó, Thành phố phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm. Đây là những nhiệm vụ khó khăn, nhưng cực kỳ quan trọng; bởi có hạ tầng, kinh tế - xã hội mới có điều kiện, có cơ hội phát triển; trong đó tập trung triển khai sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, kịp thời khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào tháng 6 tới.

Đối với việc xây dựng và triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, được thành phố xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong lộ trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, có ý nghĩa cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, ổn định lâu dài đời sống cho người dân.

Việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn cho thấy quyết tâm chính trị của thành phố trong công tác này, đặc biệt là việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với đó, Đảng bộ, các cấp chính quyền Thành phố xác định nhiệm vụ những năm tới và đề ra các giải pháp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Hà Nội, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô “... trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển...”; trong đó, tập trung phát triển kinh tế, phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh xây dựng, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa con người Việt Nam; tạo chuyển biến diện mạo Thủ đô, môi trường xanh, sạch, đẹp; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại để Hà Nội tiến tới là thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị Thủ đô; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý có năng lực, trình độ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến sức lực, trí tuệ vì sự phát triển phồn vinh của Thủ đô và đất nước. Những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đó có ý nghĩa lớn lao, mang tính quyết định đối với sự phát triển của Thủ đô và đất nước trong tương lai không xa.

Trong 93 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ thành phố Hà Nội không chỉ có vị trí, vai trò quan trọng, mà còn “sở hữu” tài sản vô giá là những truyền thống cách mạng vẻ vang được hun đúc, rèn luyện qua gian nan, thử thách, hy sinh và được kết tinh qua nhiều thế hệ. Đó là truyền thống trung thành vô hạn với Đảng, với lợi ích của dân tộc và giai cấp, với nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là truyền thống giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để đề ra đường lối đúng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện và lợi thế riêng có của Thủ đô. Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình. Đó là truyền thống đoàn kết với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” và tinh thần quốc tế thủy chung, trong sáng. Đó là truyền thống tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, phát huy nội lực, đặc biệt là thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân đồng thuận, hưởng ứng, tích cực tham gia công cuộc xây dựng Thủ đô với trách nhiệm công dân và tình yêu Hà Hội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trò chuyện cùng học sinh Trường THPT Đan Phượng.

Với nền tảng là truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng cách mạng được hun đúc qua nhiều thế hệ, Hà Nội hôm nay đã chủ động nắm bắt thời cơ, khơi dậy mọi nguồn lực để hiện thực hóa ý chí và khát vọng vươn lên.

Từ hiện tại, nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai, dẫu biết phía trước còn có vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng với nền tảng là truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng cách mạng được hun đúc qua nhiều thế hệ, Hà Nội hôm nay đã chủ động nắm bắt thời cơ, khơi dậy mọi nguồn lực để hiện thực hóa ý chí và khát vọng vươn lên. Toàn Đảng bộ, mỗi cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, học tập và noi theo tấm gương kiên trung, bất khuất của các bậc tiền nhân, gương anh dũng, ý chí quyết tâm, lòng quả cảm của các thế hệ anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào; phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ qua 93 năm xây dựng và trưởng thành, viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng, quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, của đồng bào, chiến sĩ cả nước./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng vươn cao, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.