Góc nhìn

Phát huy tối đa nhân tố con người

Quỳnh Anh 07/09/2024 - 06:45

1. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi sự phát triển; con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Việc phát huy nhân tố con người là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, một khâu đột phá chiến lược.

Quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển đã trở thành triết lý hành động xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước ta. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều khẳng định: Con người là vốn quý nhất.

Chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

Thực tế sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo kể từ ngày thành lập đến nay đã chứng minh rằng, nhân tố có ý nghĩa quyết định tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng là con người. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dù tiềm lực kinh tế, quân sự nghèo nàn, lạc hậu, song nhờ khơi dậy được ý chí và nghị lực của con người Việt Nam: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, triệu người như một đã đứng lên đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

Đặc biệt, nhờ phát huy tối đa nhân tố con người nên sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta từ một nước bị chiến tranh tàn phá đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới. Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát. An sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững; thế và lực của đất nước ngày càng được nâng cao… Đáng chú ý, theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 54 trong tổng số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát, tăng 11 bậc so với xếp hạng năm 2023.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Có thể thấy, để phát huy tối đa nhân tố, sức mạnh con người, công tác giáo dục và đào tạo có vai trò vô cùng quan trọng.

Ghi nhớ và thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng các thế hệ người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững. Chúng ta ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo với tinh thần lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển bền vững của đất nước.

Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước, trong thư gửi ngành Giáo dục và Đào tạo nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc thực hiện tốt những chỉ đạo trên của người đứng đầu Đảng, Nhà nước là hết sức quan trọng. Hơn bao giờ hết, mọi hoạt động của hệ thống giáo dục và đào tạo cần hướng vào việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, trí tuệ và đạo đức, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc biệt là cần xây dựng được hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế…

Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển là nhiệm vụ có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế hiện nay, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thành công mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tối đa nhân tố con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.