Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy thế mạnh sản phẩm, văn hóa làng nghề

Lâm Vũ| 28/05/2016 07:59

(HNM) - Với 450 di tích lịch sử cùng 126 làng nghề, huyện Thường Tín được đánh giá là mảnh đất giàu tài nguyên du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng ngành

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung.Ảnh: Bá Hoạt


Giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác

Huyện Thường Tín cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, có quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ với hơn 450 di tích, trong đó 108 di tích đã được xếp hạng; nhiều di tích rất nổi tiếng như bến Chương Dương, đền thờ Nguyễn Trãi, nhất là Chùa Đậu thờ hai vị thiền sư đắc đạo Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Ngoài ra còn có những lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, lễ hội đền Bộ Đầu... Thường Tín còn là vùng đất khoa bảng, trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời phong kiến, với gần 70 người đăng khoa, đồng thời là quê hương của các bậc danh nhân như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn.

Không chỉ là "đất danh hương", Thường Tín còn là "đất trăm nghề". Theo thống kê, toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 46 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: Lược sừng Thụy Ứng, bánh giầy Quán Gánh, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động...

Với danh tiếng đó, huyện Thường Tín có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh gắn với du lịch làng nghề. Tuy nhiên, những năm qua, du khách đến huyện phần lớn chỉ với mục đích tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tìm đối tác kinh doanh… Thời gian lưu trú của khách rất ít, chủ yếu chỉ đến tham quan trong ngày. Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho rằng, nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là việc triển khai các đề án phát triển du lịch, đầu tư tôn tạo các di tích còn chậm. Nguồn nhân lực của cơ sở tham gia phục vụ du lịch phát triển tự phát, chưa được tập huấn về chuyên môn và kỹ năng phục vụ. Hạ tầng cho du lịch tại các làng nghề chưa được đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện trên địa bàn huyện không có cơ sở kinh doanh lữ hành, khách sạn kinh doanh lưu trú.

Lấy du lịch văn hóa làng nghề làm chủ đạo

Ông Trần Đức Hải, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, chiếm tới 1/10 di sản, trên 1/10 làng nghề của toàn thành phố, Thường Tín nên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề. Tuy nhiên, huyện phải xác định sản phẩm đặc trưng riêng của huyện. Sản phẩm phải có các trải nghiệm, tức là du khách có thể tham gia các công đoạn chế tác sản phẩm để vừa thu hút khách vừa bảo đảm "đầu ra" cho làng nghề.

Thực tế cho thấy Thường Tín không cần quá đặt nặng vấn đề về cơ sở lưu trú và công ty lữ hành. Bởi TP Hà Nội có tới 700 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, chiếm 1/3 tổng số lữ hành trên toàn quốc và với khoảng cách từ trung tâm thành phố về Thường Tín khá gần. "Vấn đề quan trọng là phải xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với khách tham quan trong ngày, mang đặc trưng riêng", ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.

Về đối tượng khách, trước mắt, huyện Thường Tín nên nhắm vào thị trường Hà Nội bởi dân số thành phố đã là 7 triệu người, trong đó học sinh, sinh viên khá đông. Thêm vào đó, người dân thành phố ngày càng có xu hướng quan tâm đến du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề trong khi đây lại vốn là thế mạnh của huyện. Vì vậy huyện cần quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, cần mở các buổi tập huấn về quản lý du lịch cho những người làm công tác quản lý và nâng cao trình độ của đối tượng tham gia trực tiếp phục vụ du lịch mà cụ thể là thuyết minh viên cho các làng nghề.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, huyện Thường Tín cần nhanh chóng rà soát lại tiềm năng, lợi thế, sắp xếp các điểm đến thành "sản phẩm" hoàn chỉnh để Sở Du lịch giới thiệu tới các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trước mắt, huyện nên chọn làng nghề sơn mài Hạ Thái để xây dựng thành điểm du lịch đặc biệt, tiên phong và hoàn chỉnh vì đây là làng nghề có lịch sử hơn 200 năm, được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức nước ngoài và đã có một số công ty lữ hành của các nước Nhật, Pháp đến khảo sát.

Bên cạnh đó, Thường Tín cần sớm xây dựng các khu dịch vụ hỗ trợ du lịch như khu ẩm thực, khu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dành cho văn hóa cộng đồng, khu bảo tồn văn hóa, nhà truyền thống (tổ nghề) và khu thương mại giới thiệu sản phẩm địa phương... Sở Du lịch sẽ hỗ trợ huyện xây dựng Đề án "Khu du lịch văn hóa làng nghề Nguyễn Trãi" phục vụ du lịch, đồng thời giúp huyện đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm du lịch địa phương. Ông Đỗ Đình Hồng cũng cho biết, Sở Du lịch sẽ sớm đưa các công ty lữ hành về Thường Tín để khảo sát và xây dựng tour, tuyến du lịch 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy thế mạnh sản phẩm, văn hóa làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.