Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới

Thái Sơn| 16/12/2014 06:35

(HNM) - Danh hiệu

Và trong chiều dài thời gian đó, danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ" đã ra đời một cách tự nhiên, đi vào đời sống và lịch sử đất nước, trở thành một trong những giá trị tiêu biểu của thời đại mới. Đây cũng là niềm vinh dự lớn lao đối với những người lính "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu"...

Bộ đội giúp dân gặt lúa sau bão - hình ảnh đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.


"Bộ đội Cụ Hồ" - Hình mẫu về con người mới

Hình tượng và tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam là một hiện tượng rất độc đáo, điều đó đã khiến nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài không khỏi ngạc nhiên khi tìm hiểu về lịch sử quân sự Việt Nam. Nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh người Mỹ Lady Borton cho biết, dù đã có mặt tại không ít quốc gia trên thế giới, nhưng chưa có nơi nào người dân lại yêu mến gọi lãnh tụ của mình bằng Bác và gắn cho quân đội cụm từ "Bộ đội Cụ Hồ".

Trên thực tế, đối với nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc, là người dành cả cuộc đời cho hạnh phúc của nhân dân, là hình ảnh tiêu biểu nhất cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc và văn hóa Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện. "Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu" là bản chất, quy luật phát triển của quân đội ta - một quân đội của dân, do dân và vì dân, là quân đội của giai cấp công nhân nhưng cũng là đội quân của dân tộc. Truyền thống dân tộc và chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam chính là nguồn động lực và nền tảng tạo nên sức mạnh của quân đội ta. Và đội quân đó luôn xứng đáng với niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Bộ đội Cụ Hồ" là hình mẫu về con người mới có lý tưởng cao đẹp, đạo đức trong sáng, có mục tiêu chiến đấu là vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; là đỉnh cao về hình tượng của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Và theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Thành Cung: Là con em của nhân dân, "Vì dân" đã trở thành mệnh lệnh cao nhất đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Ở mọi thời kỳ, "Bộ đội Cụ Hồ" luôn là chỗ dựa trung thành, tin cậy của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, lấy phụng sự nhân dân là mục tiêu lý tưởng; gắn bó máu thịt với nhân dân và tôn trọng, phát huy, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; chịu sự giám sát của nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Đã có nhiều phân tích của các học giả và các tướng lĩnh quân đội về những đặc trưng cơ bản của "Bộ đội Cụ Hồ". Song tựu trung lại thì những đặc trưng đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cô đúc trong lời khen ngợi nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Cũng vì lẽ đó, "Bộ đội Cụ Hồ" là hình tượng tiêu biểu và đáng tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng, đã được nhân dân ca tụng là "con người đẹp nhất", được coi là khát vọng phấn đấu và vươn tới của lớp lớp người Việt Nam trong suốt những năm qua.

Cần bổ sung, phát triển nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ"

Như đã nêu ở trên, những đặc trưng cơ bản tạo nên nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ" không phải là sản phẩm tự phát, mà là kết quả tất yếu của một quá trình lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chính vì lẽ đó giữ vững và phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong tình hình hiện nay với những điều kiện mới là hết sức quan trọng và cần thiết, là nhiệm vụ cực kỳ to lớn và nặng nề.

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, để có thể làm tốt nhiệm vụ đó, điều cần thiết là phân tích kiểu nhân cách này, tìm ra những giá trị cốt lõi, bền vững, những giá trị mang tính đặc thù của một giai đoạn lịch sử. Bên cạnh đó phải phân tích sự tác động phức tạp của đời sống hiện nay đối với các giá trị đó, từ đó vừa củng cố các giá trị truyền thống, vừa bổ sung những giá trị mới cần có của nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời đại mới.

Có thể thấy, những giá trị trong nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ" đã được định hình trong 30 năm chiến đấu có đặc thù là những giá trị được cổ vũ, được lựa chọn nhằm tạo nên những kiểu mẫu nhân cách người lính trong điều kiện đất nước có chiến tranh, đang chiến tranh. Vì vậy theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, khi lịch sử dân tộc chuyển sang một giai đoạn mới (giai đoạn hòa bình, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước), nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam từ trực tiếp chiến đấu sang sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc thì một mặt phải giữ vững các giá trị cốt lõi, cơ bản đã được lịch sử củng cố và khẳng định, mặt khác phải bổ sung, phát triển những giá trị cần thiết cho nhân cách người chiến sĩ thời kỳ mới. GS.TS Đinh Xuân Dũng cũng cho rằng: Nếu như đặc trưng lịch sử và văn hóa của "Bộ đội Cụ Hồ" đã trở thành một sức mạnh to lớn, sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhân dân và các thế hệ thanh thiếu niên trong 30 năm kháng chiến vừa qua, thì hiện nay, nó đang bị thử thách quyết liệt, từ cả hai góc độ thực tế và tâm lý. Nếu tạo ra trong cảm nhận của con người hôm nay rằng, kiểu mẫu ấy chỉ là sản phẩm đẹp của quá khứ sẽ dẫn tới xuất hiện hai dạng tâm lý: Tâm lý chỉ có thể ngưỡng mộ (kính nhi viễn chi) hoặc tâm lý thất vọng, và như vậy sẽ không thể tiếp tục phát triển được kiểu mẫu nhân cách đó trong hiện tại và tương lai với tư cách là một giá trị văn hóa quân sự bền vững.

Trong kháng chiến hay hòa bình, mục tiêu, lý tưởng và mọi hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam, của "Bộ đội Cụ Hồ" đều là vì dân. Vì vậy, quân đội ta vừa có chức năng chiến đấu lại vừa có chức năng lao động sản xuất, chức năng công tác và làm nghĩa vụ quốc tế. Với điều kiện hiện nay, hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình hình mới đặt ra những yêu cầu mới đối với "Bộ đội Cụ Hồ" để thực sự trở thành lực lượng nòng cốt cho toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm thất bại mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thực hiện an sinh xã hội... Do đó, nhân cách của "Bộ đội Cụ Hồ" cần được tiếp tục giữ gìn, nuôi dưỡng, xây dựng và bổ sung để người lính có thể yên tâm rèn luyện, phấn đấu và cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.