Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy hiệu quả tiềm năng, giá trị của hồ Tây

12/06/2023 07:05

(HNM) - Với diện tích hơn 527ha, chu vi 18km, là một trong những hồ lớn nhất của Thủ đô, hồ Tây có giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng kinh tế, du lịch rất lớn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận đã có lộ trình cụ thể khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, giá trị của hồ Tây, qua đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng quận Tây Hồ thành nơi đáng sống.

Quận Tây Hồ đặt mục tiêu phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.

- Quận ủy Tây Hồ đặt mục tiêu xây dựng quận thành nơi đáng sống, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, giá trị của hồ Tây. Xin đồng chí cho biết cụ thể về vấn đề này?

- Thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 3-2-2023 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ngày 5-6-2023, Quận ủy Tây Hồ đã ban hành Kế hoạch số 152-KH/QU nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình hành động của Thành ủy đã đề ra trên địa bàn quận Tây Hồ.

Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô; phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng quận Tây Hồ là nơi đáng sống... Đến năm 2045, Tây Hồ sẽ là một trong những quận đi đầu trong lĩnh vực môi trường; cải cách hành chính; phát triển hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững; người dân có thu nhập cao... Quận cũng đã đề ra 9 nhóm giải pháp cơ bản nhằm xây dựng quận Tây Hồ thành nơi đáng sống; bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị khu vực hồ Tây và vùng phụ cận…

- Để xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô Hà Nội, việc khai thác các tiềm năng, giá trị của hồ Tây đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đồng chí có thể chia sẻ đôi nét những định hướng lớn của quận nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ này?

- Hồ Tây có diện tích khoảng 527,517ha, dung tích nước khoảng 10 triệu mét khối, chu vi khoảng 18km. Xung quanh hồ Tây và vùng phụ cận có 71 di tích lịch sử, văn hóa và tập trung nhiều làng nghề truyền thống.

Để khai thác các tiềm năng, lợi thế của hồ Tây phục vụ phát triển du lịch, quận Tây Hồ đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực, đường phố quận Tây Hồ” tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân); Đề án thưởng thức trà sen Quảng An; Đề án “Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân kết hợp với du lịch” và “Làng nghề trồng quất cảnh Tứ Liên”... Quận cũng phối hợp với Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp để xác định điểm đến, phát triển du lịch tâm linh kết hợp với tham quan làng nghề truyền thống.

UBND quận Tây Hồ cũng đang tiếp tục hoàn thiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận”, hướng tới mục tiêu khai thác có hiệu quả và bền vững các di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của hồ Tây và vùng phụ cận. Đề án cũng chỉ rõ việc nghiên cứu phương án để cải thiện chất lượng môi trường nước hồ, quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch; quản lý việc nuôi trồng và khai thác thủy sản và giám sát chặt chẽ nguồn nước thải xung quanh hồ.

- Khu vực quanh hồ Tây là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của Thủ đô và cả nước. Thời gian tới, quận sẽ triển khai những giải pháp cụ thể nào để bảo tồn những di sản này, thưa đồng chí?

- Với mong muốn đưa quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô, quận đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; đồng thời chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận”.

Để quản lý và khai thác hồ Tây hiệu quả, quận đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành thành phố có liên quan tiến hành di dời toàn bộ các phương tiện thủy nội địa cũ nát ra khỏi hồ Tây; khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm môi trường nước. Quận cũng tăng cường công tác tuần tra nhằm ngăn chặn, xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, vườn hoa làm nơi kinh doanh trái phép; ngăn chặn tình trạng câu cá, đánh bắt cá trái phép ven hồ…; tạo cảnh quan, môi trường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” trong khu vực…

Với sự đồng lòng, nhất trí của cả hệ thống chính trị quận, chúng tôi tin tưởng, những giá trị của hồ Tây sẽ được khai thác và phát huy hiệu quả, góp phần đắc lực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cũng như thu nhập cho người dân quận Tây Hồ.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả tiềm năng, giá trị của hồ Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.