Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy hiệu quả, hạn chế điểm nóng

Việt Tuấn| 22/03/2014 07:04

(HNM) - Tiếp nhận và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết hàng nghìn đơn thư qua các buổi tiếp công dân ngay tại các đơn vị bầu cử cho thấy, Đề án

Công dân phường Văn Quán, quận Hà Đông tìm hiểu lịch tiếp công dân.Ảnh: Lê Tuấn


Trước đây, đại biểu HĐND TP Hà Nội tiếp công dân vào thứ năm hằng tuần tại 2 địa điểm (34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông). Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến tháng 7-2012, HĐND thành phố tổ chức được 130 buổi tiếp công dân do các đại biểu luân phiên thực hiện. Số lượng tiếp mỗi buổi cũng hạn chế, mỗi trụ sở chỉ tiếp được từ 12 đến 15 công dân và đoàn công dân, trong đó 70% là công dân "quen mặt", hằng tuần đều đến. Vì vậy mới có thực trạng, nhiều đơn thư đã nhận, chuyển tới các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết và đang trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật, thậm chí có đơn đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng đại biểu tiếp dân lần sau vẫn nhận đơn và lại chuyển đơn (nội dung không có gì mới), dẫn đến chồng chéo, mất thời gian, công sức của đại biểu, nhân dân, tạo sự quá tải không cần thiết cho các cơ quan. Thêm nữa, do không phải chịu sự giám sát trực tiếp của cử tri nơi bầu ra mình, nên một số đại biểu chưa tích cực, còn vắng mặt ở các buổi tiếp công dân; việc đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn thư có tình trạng trông chờ, thiếu bám sát kiểm tra, nhắc nhở…

Hạn chế trên chính là động lực để Thường trực HĐND TP Hà Nội đưa ra mục tiêu, cần phải nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp công dân; việc tiếp công dân xử lý đơn thư, chuyển đơn và đôn đốc cấp có thẩm quyền giải quyết phải bảo đảm tính hệ thống, liên tục, gắn trách nhiệm của đại biểu với công dân mà mình đã tiếp. Ngày 26-12-2012, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã ban hành Đề án 531/ĐA-HĐND "Đổi mới công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016" (gọi tắt là Đề án 531).

Từ việc đổi mới tiếp công dân ở các tổ bầu cử theo đề án, các vụ việc kiến nghị, đơn thư khiếu nại của từng địa phương được các đại biểu nắm rõ và nỗ lực tìm câu trả lời thấu đáo cho cử tri của mình. Việc này được minh chứng qua thực tiễn đợt giám sát về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và khiếu nại tố cáo (KNTC) của công dân do Thường trực HĐND thành phố thực hiện tháng 2-2014. Nhiều vụ KNTC tồn đọng và các kết luận sau thanh tra giải quyết chưa thấu đáo khiến nhân dân còn ý kiến phàn nàn; các kiến nghị của tri cử chưa được trả lời đầy đủ, hoặc không trả lời… được thu nhận tại các buổi tiếp công dân được các đại biểu HĐND nêu ra, chất vấn các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương. Đơn cử như tại quận Hoàng Mai, trong báo cáo gửi đoàn giám sát thiếu các vụ KNTC tồn đọng, một số kiến nghị của cử tri chưa có công văn trả lời và một số vụ kết luận sau thanh tra cũng không nêu rõ… đã được đại biểu chuyên trách HĐND thành phố yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể, hướng giải quyết và thời gian giải quyết. Điều này đã được Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai ghi nhận, bổ sung báo cáo kịp thời, trả lời ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền… Đổi mới công tác tiếp công dân còn giúp đại biểu HĐND thành phố gần gũi với cử tri nơi mình ứng cử hơn, tăng thêm niềm tin của cử tri vào những đại biểu đã được bầu làm người đại diện cho mình. Từ những hiệu quả trong đổi mới tiếp công dân của HĐND thành phố, hiện nay, HĐND nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tiếp tục áp dụng, triển khai cách làm này.

Dù đã tạo nên những chuyển biến rõ nét nhưng Thường trực HĐND thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại cần khắc phục. Đó là một số ít đại biểu mới chỉ dừng lại ở việc gặp gỡ trao đổi và chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền, chưa chú trọng đến công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết. Thời gian tới, HĐND TP Hà Nội sẽ khắc phục tình trạng này bằng cách tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tiếp công dân và giải quyết kiến nghị của cử tri cho đại biểu HĐND, nhằm thực hiện tốt Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ ngày 1-7-2014.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt: Đây là chủ trương đúng hướng và sau một năm thực hiện, Đề án 531 phát huy hiệu quả rõ rệt. Tại 30 đơn vị bầu đại biểu HĐND thành phố, các đại biểu đã tiếp gần 2.000 lượt công dân, nhận 1.293 đơn thư và tổng hợp, phân loại chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 1.108 đơn. Lịch tiếp công dân và danh sách đại biểu tiếp dân được thông báo công khai trước 10 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thông tin đến được với nhiều cử tri của thành phố, tạo điều kiện để mọi công dân có thể trực tiếp đến gặp gỡ đại biểu trao đổi, đề đạt ý kiến, nguyện vọng. Việc tiếp công dân ở các tổ bầu cử đã tạo điều kiện để các đại biểu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kịp thời giải quyết kiến nghị của cử tri theo thẩm quyền.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả, hạn chế điểm nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.