Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy dân chủ trong công tác cán bộ

Trí Dũng| 11/04/2022 06:23

(HNM) - 1. Quan điểm, chủ trương của Ðảng về công tác cán bộ luôn nhất quán, coi trọng con người là hàng đầu, là nguồn lực có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Ðội ngũ cán bộ là nhân tố quyết định trong việc thực hiện một chế độ Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, trong đó việc thực hiện, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng.

Những năm qua, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã nhận thức được rõ vị trí, tầm quan trọng của dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ. Các khâu như quản lý, đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ được cấp ủy, người đứng đầu và tổ chức Đảng bàn bạc dân chủ và quyết định theo đa số; sự phân cấp trong công tác cán bộ được nhận thức và thực hiện tốt. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã đẩy mạnh thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ nên đã củng cố được lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được về phát huy dân chủ, trong công tác cán bộ vẫn còn một số thiếu sót cần khắc phục. Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”; “Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội”… Chính vì thế, có một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, phải thi hành kỷ luật...

Điển hình là chuyện bổ nhiệm vợ con, người thân xảy ra ở các địa phương: Quảng Nam, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… gần đây gây ồn ào dư luận cho thấy có tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến sai phạm trong công tác cán bộ của Đảng. Chính điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy dân chủ trong công tác cán bộ thời gian vừa qua.

2. Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Điều đó đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác này thời gian tới.

Trước hết, phải tiếp tục phát huy dân chủ trong Đảng về công tác cán bộ, các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở đều phải thực hiện nghiêm túc; mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải quán triệt sâu sắc, có nhận thức đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác cán bộ, về thực hành dân chủ trong Đảng. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ. Mỗi cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đã được quy hoạch thì đều phải có cơ hội và điều kiện như nhau để có thể phát huy tốt những phẩm chất, năng lực của mình trong tuyển dụng, tuyển chọn vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Tiếp đó là thường xuyên nghiên cứu lý luận, đúc rút thực tế nhằm thể chế hóa các nội dung liên quan đến công tác cán bộ của Đảng. Ở đây có thể là việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm cần trở thành nền nếp văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ... Các quy định, quy chế sau khi ban hành phải được quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhất là trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo và đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ để hiểu đúng, thực hiện đúng.

Đặc biệt là sớm thực hiện thí điểm một số chủ trương như: Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình... Song hành với đó là tập trung kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức, cán bộ. Kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với định kỳ, kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Xây dựng kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức, cán bộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với những nội dung kiểm tra khác...

Phát huy dân chủ trong công tác cán bộ không chỉ nhằm góp phần lựa chọn những người có đức, có tài phục vụ cho dân, cho nước mà còn là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đây cũng là phương cách để tham gia mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy dân chủ trong công tác cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.