Núi lửa thường phun dung nham, song mới đây các nhà khoa học Mỹ tìm thấy 7 núi lửa từng phun nhựa đường dưới đáy Thái Bình Dương.
Ảnh chụp những ngọn núi lửa phun nhựa đường dưới đáy Thái Bình Dương. Mỗi màu trong ảnh thể hiện một độ cao. Ảnh: Newscientist. |
Newscientist cho biết, các nhà khoa học của Đại học California, Mỹ nhìn thấy những núi lửa nói trên trong lúc khảo sát đáy biển khu vực gần bờ biển Santa Barbara thuộc bang California. Tất cả núi lửa đều rất nhỏ và được tạo nên từ nhựa đường. Ngọn lớn nhất chỉ cao hơn thềm lục địa khoảng 20 m. Khí metan vẫn tiếp tục bốc lên từ một số núi lửa.
David Valentine, trưởng nhóm nghiên cứu, nói đây là lần đầu tiên núi lửa phun nhựa đường được tìm thấy trong vùng biển California. Ông cho rằng chúng hình thành trong quá trình những hydrocarbon dính thoát ra từ thềm lục địa từ khoảng 40.000 năm trước.
Theo Valentine, lượng khí metan khổng lồ mà 7 ngọn núi lửa tạo ra từng gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái trong khu vực. Khí metan có thể thu hút những vi khuẩn có khả năng biến metan thành năng lượng. Sự hiện diện của những vi khuẩn đó khiến khí oxy cạn kiệt, đẩy nhiều loài động vật và thực vật tới thảm họa tuyệt chủng. Kết quả phân tích những lớp trầm tích cho thấy một khu vực có diện tích chừng 600 km vuông xung quanh những núi lửa từng là vùng chết cách đây khoảng 40.000 năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.