Thủ tướng yêu cầu thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (HNM) - Ngày 10-1, tại buổi họp báo quý IV-2013, Thanh tra Chính phủ cho biết đã có kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhiều dự án chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư. Ảnh: Ngọc Nguyễn |
Cả công ty mẹ và công ty con cùng sai phạm
Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN cho thấy, bên cạnh kết quả đã đạt được, EVN có những khuyết điểm, vi phạm như đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp số tiền hơn 121 nghìn tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN chỉ có hơn 76 nghìn tỷ đồng, vượt vốn điều lệ hơn 45 nghìn tỷ đồng; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hơn 1.997 tỷ đồng, vượt tỷ lệ quy định; việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí cho sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án, số tiền hơn 223 tỷ đồng; Công ty mẹ EVN mua 2 xe ô tô vượt định mức quy định, số tiền hơn 3 tỷ đồng. Năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN là 2,741 lần, hệ số nợ giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ EVN là 3,246 lần, Công ty mẹ EVN chưa cân đối được nguồn vốn để trả các khoản nợ quá hạn thanh toán. Từ năm 2005 đến tháng 7-2012, EVN triển khai 20/42 dự án chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án. Tại thời điểm thanh tra, Công ty mẹ EVN và các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ EVN chưa nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng TƯ và địa phương tiền phí dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 533 tỷ đồng (đến thời điểm kết luận thanh tra, EVN đã nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng TƯ số tiền trên). Kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng, Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3, Nhà máy Thủy điện Ankhe Kanak xác định thời điểm trích khấu hao tài sản chưa đúng quy định.
Bên cạnh đó, kết luận tranh tra cũng chỉ ra Công ty mẹ EVN đã xây dựng các chỉ tiêu để xác định giá bán điện nội bộ cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam (SPC) thiếu một số khoản doanh thu và chi phí có liên quan trực tiếp đến hoạt động phân phối điện; chưa hướng dẫn việc xác định giá thành cho hoạt động treo cáp thông tin để thống nhất việc quản lý giữa các tổng công ty điện lực; EVN cấp cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (NPC) hơn 3,1 tỷ đồng từ nguồn vốn khấu hao cơ bản để xây dựng trường dân tộc nội trú cho huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu không đúng với mục đích sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản.
Qua thanh tra cũng đã phát hiện nhiều sai phạm tại các đơn vị thành viên. Điển hình như tại Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã không bảo toàn được vốn nhà nước trong năm 2011; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội không bảo toàn được vốn năm 2011, vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm hơn 328 tỷ đồng. Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng. Thông báo kết luận thanh tra cũng chỉ rõ những nội dung liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐ,TB&XH, UBND tỉnh Đồng Nai. Đáng chú ý, Bộ Công thương đã phê duyệt chi phí "Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa", nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư nhà cao tầng có các cơ sở hạ tầng đi kèm như bể bơi, sân tenis…, phục vụ sinh hoạt của cán bộ nhân viên, với số tiền hơn 595 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện chưa đúng với quy định. Bộ LĐ,TB&XH thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc trong năm 2010 là 3,108 tỷ đồng, chưa đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Trong buổi họp báo, các phóng viên hỏi về kết quả các cuộc thanh tra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, việc quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: Một số kết luận thanh tra cần có thêm thời gian để bảo đảm sự chính xác, khách quan, trung thực. |
Xử lý nghiêm
Từ các sai phạm, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương chủ động rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình đối với tổ chức hoạt động của EVN nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy EVN thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu EVN; kiểm điểm rút kinh nghiệm về một số tồn tại, khuyết điểm nêu tại kết luận thanh tra. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai rà soát lại nhu cầu đầu tư, việc cấp phép đầu tư đối với 4 nhà máy sản xuất thép trên địa bàn tỉnh. EVN phải thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính của Công ty mẹ EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, 5 tổng công ty điện lực; xây dựng quy chế phân chia tiền lương giữa các khâu phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, EVN phải hướng dẫn các Nhà máy Thủy điện Sơn La, Đồng Nai, AnKhe Kanak xác định lại thời điểm tăng tài sản để trích khấu hao trong năm 2011 theo đúng quy định. Đồng thời, cần tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những vi phạm nêu tại kết luận thanh tra. Tại cuộc họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận thanh tra và Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 442/TB-VPCP ngày 9-12-2013 thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo thông báo, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Ngoài các vấn đề được nêu trong thông báo kết luận thanh tra, tại buổi họp báo, các phóng viên đã hỏi về liên quan đến EVN như việc EVN cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vay rồi sau đó EVN vay lại với lãi suất cao hơn nhiều lần. Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri thừa nhận, hiện tượng này là đúng và đang xảy ra. Ông Tri lý giải, trước đây, Công ty Nhiệt điện Phả Lại thuộc EVN sau đó chuyển thành công ty cổ phần. Do đó EVN cho doanh nghiệp này vay lại nguồn vốn ODA để đầu tư sau này thu hồi vốn trả lại Bộ Tài chính. Nhiệt điện Phả Lại chuyển thành công ty cổ phần hoạt động có lãi, một số năm có lãi lớn. Theo quy định, họ được quyền gửi ngân hàng lấy lãi suất hoặc cho các doanh nghiệp khác vay theo thỏa thuận. Do đó EVN đã vay theo thỏa thuận để đầu tư vào một số dự án cấp bách của tập đoàn. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nhấn mạnh thêm: Việc cho vay và đi vay lại giữa công ty mẹ và các đơn vị thành viên là không có gì vi phạm. Việc vay từ nguồn vốn ODA và việc huy động vốn là khác nhau về bản chất nên không thể so sánh hai vấn đề này với nhau, dễ khiến dư luận hiểu nhầm.
Về việc EVN bù lỗ cho các công ty con, đại diện Thanh tra Chính phủ và EVN đều khẳng định đây là việc hết sức bình thường. Trả lời về vấn đề tiền lương, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định: Tiền lương của lãnh đạo EVN là do Bộ LĐ,TB&XH duyệt nên không sai quy định. Hội đồng thành viên của EVN chỉ có 6 người, theo quy định không vượt quá 36 triệu đồng/tháng, nếu thêm phụ cấp nữa thì tối đa là 54 triệu đồng/tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.