Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện ít, xử lý nhẹ - Vì sao? (tiếp theo và hêt)

Đà Đông| 06/10/2013 07:21

(HNM) - Để làm rõ căn nguyên vì sao tỷ lệ án treo trong xử lý tội phạm tham nhũng lại khá cao thật khó. Khi bàn về vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, không nên căn cứ vào con số cụ thể để đánh giá mà cần nhìn nhận theo hướng bản án được tòa tuyên có đúng quy định của pháp luật hay không.

Treo do… "vận dụng đúng quy định"?

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đối với án tham nhũng, mặc dù số lượng án treo nhiều nhưng hầu hết các vụ án đã được vận dụng đúng pháp luật. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng: "Mặc dù vận dụng đúng pháp luật nhưng nếu tỷ lệ xử án treo đối với tội phạm tham nhũng quá lớn thì cũng tạo ra sự phản cảm trong xã hội". Trong thực tế, thời gian qua Viện KSND Tối cao đã kháng nghị 39 trường hợp và đã được tòa chấp nhận 26 trường hợp tăng hình phạt đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng. Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, đại diện TAND Tối cao cũng tái khẳng định quan điểm về việc xét xử các vụ án tham nhũng cho hưởng án treo là có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, ngành tòa án cũng thừa nhận trong một số trường hợp, việc quyết định cho bị cáo phạm tội về tham nhũng được hưởng án treo còn thiếu tính thuyết phục.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ án treo trong tham nhũng cao là việc nương nhẹ, xử lý chưa nghiêm các hành vi phạm tội tham nhũng. Bên cạnh đó, việc nể nang, né tránh, bao che còn có phần do nhận thức chưa đúng về tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm của hành vi tham nhũng đối với xã hội nên trong một số trường hợp, người có hành vi tham nhũng nhiều tỷ đồng nộp lại tài sản do tham nhũng mà có đã được đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự.

Thực tế từ diễn biến của các phiên tòa cho thấy, hầu hết các bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng đều nguyên là cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn, có nhân thân tốt, nơi ở ổn định, rõ ràng và chưa có tiền án, tiền sự. Do vậy, các bị cáo có nhiều tình tiết để giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực. Chiếu theo các quy định tại Điều 60, Bộ luật Hình sự và hướng dẫn của TAND Tối cao, đây là các tình tiết, điều kiện thuận lợi để tòa cho các bị cáo hưởng án treo. Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền từng cảnh báo, có hiện tượng tòa án các cấp đang hiểu sai và vận dụng chưa phù hợp các quy định của pháp luật cho tội phạm tham nhũng.

Thừa nhận việc chống bỏ lọt tội phạm trong tham nhũng là việc rất khó, Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, tội phạm tham nhũng nhiều nhưng xử lý được ít vì do cơ quan thanh tra, kiểm toán chuyển tài liệu sang các cơ quan bảo vệ pháp luật còn thiếu những chứng cứ thuyết phục. Mặt khác, ông cũng cho rằng hiện nay chúng ta đang thiếu cơ chế giám sát các cơ quan PCTN và thiếu sự kết nối giữa các cơ quan này nên để xảy ra tình trạng "lắm sãi, không ai đóng cửa chùa".

Tăng cường công khai, minh bạch

Để công tác PCTN đạt hiệu quả, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi phạm tội tham nhũng; bảo đảm sự thống nhất giữa Luật PCTN với Bộ luật Hình sự; sửa đổi quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn điều tra cho phù hợp với những vụ án tham nhũng có tình tiết phức tạp… Chính phủ cũng yêu cầu TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao hướng dẫn thống nhất việc áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm tham nhũng, lợi dụng quyền hạn, chức vụ theo hướng xử lý nghiêm, hạn chế áp dụng án treo, hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự có tính định lượng như gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu lợi bất chính lớn, vụ lợi…

Được biết, trong nỗ lực giảm án treo đối với tội phạm tham nhũng, ngành kiểm sát đã yêu cầu không được vận dụng tình tiết có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu khi xem xét án tham nhũng. Tại dự thảo "Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự" vừa được TAND Tối cao đưa ra lấy ý kiến, dư luận rất mong chờ tinh thần của Luật PCTN sẽ được cụ thể hóa. Theo đó, đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ không được hưởng án treo; người phạm tội tham nhũng không chủ động khai báo, không tích cực hạn chế thiệt hại, không tự giác nộp lại tài sản không được hưởng án treo. Cũng có ý kiến đề nghị cần công khai, minh bạch tối đa hoạt động tư pháp, công khai thông tin quá trình xử lý các vụ án tham nhũng, mở rộng sự giám sát cho người dân, báo chí.

PCTN đòi hỏi phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó việc hạn chế áp dụng án treo với người phạm tội về tham nhũng chỉ là một trong các biện pháp. Tuy nhiên, đây là một việc làm cần thiết bảo đảm sự công bằng của pháp luật và tránh không để bản chất nhân đạo của Nhà nước bị lợi dụng, làm suy giảm lòng tin của người dân vào cán cân công lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện ít, xử lý nhẹ - Vì sao? (tiếp theo và hêt)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.