(HNMO) - Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương vừa tiếp nhận một ca bệnh sán lá gan lớn lạc chỗ rất hiếm gặp.
Bệnh nhân Lò Thị Hồng (Sơn La) mắc bệnh sán lá gan lạc chỗ hiếm gặp. (Ảnh: Quang Thái) |
Bệnh nhân là chị Lò Thị Hồng (30 tuổi), xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vừa nhập viện với triệu chứng sốt, tổn thương vùng cận ngực. Bệnh nhân Lò Thị Hồng cho biết, lúc phát hiện bệnh chị đang đi công tác, và chỉ nghĩ là mình bị mụn nhọt, nhờ đồng nghiệp nặn ra. Sau khi nặn ra mới phát hiện con sán. Trước đó chị cũng không có cảm nhận gì quá đặc biệt, chỉ thấy thỉnh thoảng vùng ngực có nhói lên một chút.
TS.BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh - Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương cho biết, cách đây một tuần, bệnh nhân phát hiện có tổn thương ở vùng cận ngực, khoảng 5cm, đau nhẹ và kèm theo ngứa, có đi khám tại phòng khám tư do nghi viêm tuyến vú.
Sau đó phát hiện vùng tổn thương có vật gì nghi do sán. Bệnh nhân đã đến Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương khám, sau khi làm các xét nghiệm, xác định bệnh phẩm là sán lá gan lớn - Fasciola gigantica.
Đây là một ca sán lá gan lớn lạc chỗ rất hiếm gặp vì bệnh này thường gặp ở gan. Ngoài ra, nếu là sán lá gan lạc chỗ thường gặp ở cơ thẳng gần bụng, cơ tim, hoặc ở phổi, còn bệnh nhân này bị ở vú.
Khoa Khám bệnh Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương khám bệnh cho bệnh nhân. |
TS.BS Trần Huy Thọ cho biết thêm, bệnh nhân có một thói quen là hay ăn lẩu, ăn các loại rau thuỷ sinh, trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ... là yếu tố có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Vì ấu trùng sán thường bơi trong nước sau đó tìm một cá thể để ký sinh như ốc, hoặc bám vào rau trồng thuỷ sinh.
Khi được hỏi về khả năng hồi phục của bệnh nhân sau khi điều trị, TS.BS Trần Huy Thọ cho biết, việc điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan thì không khó, chỉ khoảng một tuần là ổn định, nhưng tổn thương gan thì phải từ 1 tháng mới hết. Tùy vào thể trạng từng người quá trình điều trị sẽ nhanh hay chậm. Có người đáp ứng thuốc tốt thì 1 tháng, có người chậm phải 6 tháng mới hồi phục.
TS.BS Trần Huy Thọ cũng cho lời khuyên, để phòng, chống căn bệnh này, người dân phải ăn chín, uống sôi, bỏ thói quen ăn các thức ăn sống như tiết canh... Lựa chọn ăn thực phẩm sạch như nguồn thực phẩm phải được lấy từ các trang trại nuôi, vật nuôi sạch thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ giảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.