Một mẫu đá mới ở Mexico cho thấy bằng chứng mới về một thiên thạch to bằng cả một thành phố đã lao vào Trái đất, giết chết toàn bộ loài khủng long cách đây 65 triệu năm.
Theo tờ Wall Street Journal, khi khoan vào đáy biển ngoài khơi Mexico, các nhà khoa học đã lấy lên được một bằng chứng địa chất độc đáo về ngày tồi tệ nhất trong lịch sử sự sống trên Trái đất. Ngày đó, một thiên thạch siêu to đã đâm vào Trái đất, quét sạch loài khủng long và 3/4 sự sống khác trên hành tinh này.
Phân tích mẫu đá mới lấy từ miệng núi lửa Chicxulub đã được công bố ngày 9-9. Mẫu đá là lớp trầm tích nằm ngay trung tâm chịu tác động của thiên thạch trong ngày đầu tiên của thảm họa toàn cầu.
Mẫu trầm tích này lưu lại dấu vết trận động đất khổng lồ, sóng thần, lở đất, cháy rừng sau khi thiên thạch khổng lồ lao vào và tạo ra một hố rộng 160km và sâu 19km.
Trầm tích này cũng cung cấp bằng chứng hóa học rằng biến cố địa chất đó đã thổi bay hàng trăm tỷ tấn lưu huỳnh bột vào không khí, kích hoạt mùa đông trên toàn cầu, khiến nhiệt độ toàn cầu giảm tới 1 độ C trong nhiều chục năm.
Ông Jay Melosh, nhà vật lý địa chất tại Đại học Purdue nói: “Bằng chứng cho chúng ta thấy điều gì diễn ra bên trong miệng núi lửa vào ngày thảm họa giết chết loài khủng long đó. Tất cả quá trình đều được ghi lại trực tiếp trong trung tâm”.
Các nhà khoa học trong nhóm khoan nói trên do nhà vật lý địa chất Sean Gulick tại Đại học Texas ở Austin dẫn đầu. Họ đã công bố nghiên cứu trên ấn phẩm của Viện Khoa học quốc gia. Dự án do Chương trình Khám phá Đại dương quốc tế và Chương trình Khoan Khoa học Lục địa quốc tế tài trợ.
Các nhà khoa học đã làm việc trên một con tàu khoan tên là Lifeboat Myrtle neo đậu ngoài khơi cảng Progreso của Mexico. Năm 2016, họ lần đầu tiên khoan vào mép bên trong của miệng núi lửa dưới đáy biển bị chôn vùi dưới 457 mét đá vôi tích tụ hàng triệu năm từ khi xảy ra vụ đâm thiên thạch.
Các nhà địa chất nghiên cứu mẫu đá in hằn dấu vết địa chất tích tụ cả nghìn năm. Trong miệng núi lửa Chicxulub, hàng trăm mét trầm tích đã tích tụ nhanh chóng, lưu lại các ảnh hưởng của sự cố như một chiếc máy quay tốc độ cao.
Tiến sĩ Gulick nói: “Chúng ta có 130 mét trầm tích trong một ngày. Chúng ta có thể đọc lại thông tin theo từng phút, từng giờ”.
Nghiên cứu lớp trầm tích cho thấy thiên thạch tạo thành một hố sâu 40 đến 48 mét trong vài giây tác động đầu tiên, hình thành một cái hố như cái vạc sôi sục đầy đá bị nung chảy và hơi nước siêu nóng. Sau đó, một cột đá tan chảy bắn lên trời ở độ cao hơn cả đỉnh Everest.
Chỉ trong vài phút, cột đá này ập xuống đất, tạo ra những con sóng nham thạch khổng lồ.
Sau 20 phút, nước biển dâng cuồn cuộn. Vài tiếng sau, những con sóng cuộn theo vô số đất đá.
Ngay trên lõi trầm tích, các nhà khoa học phát hiện dấu vết than và vật chất hữu cơ. Tiến sĩ Gulick nói: “Chúng tôi nghĩ rằng sóng thần đã cuốn trở lại những dấu vết đất và mảnh than tí hon này. Cả mặt đất hoàn toàn bốc cháy”.
Sau khi phát hiện ra miệng núi lửa Chicxulub những năm 1970, các nhà du hành và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thường xuyên lập bản đồ quỹ đạo các thiên thạch gần đó để tìm dấu hiệu xem chúng có thể va chạm nguy hiểm với Trái đất hay không.
NASA đang lên kế hoạch thực hiện một sứ mệnh vào năm 2021 bay tới một thiên thạch gần tên là Didymos để kiểm tra các biện pháp đổi hướng an toàn một sao Chổi hoặc thiên thạch nguy hiểm trước khi nó lao vào Trái đất.
Theo các nhà thiên văn học NASA, hiện không có thiên thạch nào to đáng kể sắp lao vào Trái đất. Thiên thạch làm tuyệt chủng loài khủng long có thể cả tỷ năm mới xuất hiện một lần. Ông Melosh nói: “Tác động của thiên thạch là điều tồi tệ với Trái đất. Nhưng chúng tôi biết hiện không có thiên thạch lớn nào đi vào quỹ đạo Trái đất”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.