Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hành trái phiếu quốc tế là để bảo đảm lợi ích quốc gia

Châu Anh| 25/10/2015 06:36

(HNM) - Tại kỳ họp này, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ.


Trao đổi với báo chí bên hành lang QH ngày 24-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định, việc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế nhằm cơ cấu lại nợ nước ngoài trên quan điểm bảo đảm lợi ích quốc gia là cao nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 24/10. Ảnh: Dân trí


- Giá dầu thô thế giới giảm sâu tác động như thế nào tới việc thu ngân sách, thưa Phó Thủ tướng?

- Trong cơ cấu thu ngân sách và GDP hiện nay, dầu thô chỉ còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy, giá dầu giảm tác động vào thu ngân sách không rõ nét lắm, nhưng tác động vào kinh tế - xã hội là rất lớn. Giá dầu giảm có mặt tích cực là giảm lạm phát, người dân được hưởng lợi, đặc biệt là giảm chi phí đầu vào giúp sản xuất tăng trưởng, từ đó tăng thu trong nước… Một trong những bài toán trong bối cảnh giá dầu giảm sâu đó là, Chính phủ đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp như ngân sách dự phòng của địa phương. Cụ thể, đưa về mức 50% để cuối năm nếu thu ngân sách khả quan thì dùng tiếp, thu ngân sách thấp thì chúng ta phải giảm chi.

- Vậy, Chính phủ đã có biện pháp nào để khắc phục tình trạng giảm thu ngân sách?

- Chúng ta phải cơ cấu lại ngân sách, để bảo đảm lành mạnh. Chính phủ đã làm rất nhiều việc để hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất như, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh... Đặc biệt, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội nhấn mạnh trong tình hình khó khăn, chúng ta phải bảo đảm an sinh xã hội. Để bảo đảm các chỉ tiêu an sinh xã hội trong bối cảnh hiện nay, ngân sách sẽ phải chi nhiều hơn.

- Chính phủ vừa trình QH đề nghị dự kiến phát hành 3 tỷ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ. Có ý kiến lo ngại đây sẽ là gánh nặng trả nợ sau này… Phó Thủ tướng có thể nói rõ thêm về vấn đề này?

- Trước hết, muốn giảm nợ công, cách đơn giản nhất là không vay. Không vay thì nợ công giảm rất nhanh, nhưng không có nguồn lực để phát triển. Trong điều kiện đất nước chúng ta thì cần phải phát huy cả nội lực và ngoại lực. Chúng ta vay là để đầu tư chứ không để chi thường xuyên theo đúng quy định của Luật Ngân sách. Và thực tế, có nhiều công trình đầu tư bằng vốn vay có hiệu quả kinh tế cao, trả nợ được. Do vậy, chúng ta phải tính toán để nợ công an toàn, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia thì mới vay. Quan trọng hơn là phải quản lý chặt đầu ra. Vay đầu tư vào địa chỉ nào để phát huy hiệu quả kinh tế để trả nợ. Con số nợ công dù thấp mà không đầu tư hiệu quả thì vẫn có khả năng vỡ nợ. Chúng ta không vay bừa bãi mà tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm tư nhân không làm được để tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Luật của chúng ta cho phép được cơ cấu lại nợ làm sao để có lợi nhất. Không phải vì không trả được nên chúng ta phải đảo nợ. Ví dụ như trước đây có khoản vay cao, nay thị trường xuống thấp thì ta vay để trả khoản trước dù chưa đến hạn trả. Việc này là để bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia lâu dài.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hành trái phiếu quốc tế là để bảo đảm lợi ích quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.