Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đã phát động chiến dịch toàn cầu với tên gọi Hành động 7 tỷ người, nhân kỷ niệm ngày Dân số Thế giới (11/7).
Chiến dịch này nhằm hướng mọi người suy nghĩ tới con số tỷ người mà thế giới sẽ đạt được vào ngày 31 tháng 10 năm nay, đồng thời đưa ra lời kêu gọi hành động trong việc giải quyết những vấn đề đang ảnh hưởng tới cuộc sống.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục dân số-kế hoạch hóa gia đình Dương Quốc Trọng cho biết, 7 chủ đề được chọn cho chiến dịch toàn cầu năm nay đó là: nghèo và bất bình đẳng; phụ nữ và trẻ em gái; thanh niên; sức khỏe sinh sản và quyền; môi trường; già hóa dân số; đô thị hóa.
Giám đốc Điều hành Qũy dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tiến sỹ Babatunde Osotimenhin đã nhấn mạnh cột mốc 7 tỷ người vừa là thách thức vừa là cơ hội cho nhiều quốc gia.
Với tốc độ tăng dân số hiện tại, mỗi năm dân số toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 78 triệu người, mức tăng này sẽ làm tăng nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và tạo ra áp lực ngày càng gia tăng cho tất cả các nước.
Hiện nay, 97% tăng dân số diễn ra ở các quốc gia kém phát triển, trong khi đó khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Vì vậy, chưa bao giờ lại có nhiều người trở nên dễ bị tổn thương với các vấn đề như mất an ninh lương thực, thiếu nước và thiên tai đến như vậy. Tại các nước giàu và các nước có thu nhập trung bình lại đang đối mặt với tình trạng về tỷ lệ sinh thấp, suy giảm dân số và già hóa dân số.
Tuy nhiên, dân số thế giới đạt 7 tỷ người cũng là một cơ hội để mỗi người có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một thế giới bền vững với sự cân bằng và hòa bình cho tất cả mọi người.
Các nước có thể đoàn kết lại với sự tham gia của thanh niên, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà chúng ta cùng đang phụ thuộc. Hoạt động ở mỗi quốc gia hoặc một khu vực có thể tác động tức thì lên các khu vực khác của thế giới.
Theo kịch bản dự báo trung bình của Vụ Dân số Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người vào năm 2025, 9 tỷ người vào năm 2043 và 10 tỷ người vào năm 2083.
Là quốc gia có mức thu nhập trung bình và đang dần hội nhập vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội mới nhưng đồng thời cũng đang phải đối mặt với một số thách thức nổi cộm.
Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, già hóa dân số và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh niên là những vấn đề dân số mà Việt Nam cần phải giải quyết.
Bên cạnh đó là các vấn đề như di cư, đô thị hóa, giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bệnh truyền nhiễm… cần có cách tiếp cận vượt qua khỏi biên giới quốc gia. Do vậy, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế ngày càng trở nên quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.