Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phất cờ nương tử

ANHTHU| 10/03/2005 08:16

Mùa xuân năm Canh Tý (40), cả vùng trời ngã ba sông Hồng, sông Hát sôi động. Bãi Trường Sa Châu lồng lộng cờ xí, đông đặc ba quân, gươm tuốt trần sáng quắc. Trống đồng thúc từng hồi rộn rã. Hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị lẫm liệt trên mình voi, tiếng hịch truyền sang sảng...

               Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân...

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Mùa xuân năm Canh Tý (40), cả vùng trời ngã ba sông Hồng, sông Hát sôi động. Bãi Trường Sa Châu lồng lộng cờ xí, đông đặc ba quân, gươm tuốt trần sáng quắc. Trống đồng thúc từng hồi rộn rã. Hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị lẫm liệt trên mình voi. Tiếng hịch truyền sang sảng: “Ta cũng dòng dõi Tiên Rồng, cháu con Lạc tướng. Thương con đỏ sa xuống hầm sâu ngồi yên sao đặng. Hiệp lòng người dấy lên cờ nghĩa...”.

Lời hiệu triệu hun cháy lòng dân, âm vang mặt sóng cửa sông. Người bốn phương tiếp nối đổ về tụ hội. Lúc chủ tướng khoác nhung y trên mình voi xuất trận, có người khuyên nên cử lễ tang Thi Sách. Trưng Trắc trả lời:

- Việc binh cần quyền biến. Tang chồng ta để trong lòng. Còn dấy nghiệp trả nợ nước, báo thù nhà cần phải trang phục oai phong, gây khí thế phấn khích ba quân, khiến giặc nhìn thấy mà kinh sợ. Lo việc lớn phải thế !

Cuồn cuộn quân đi. Cuồn cuộn đồn lũy giặc bị sóng vùi. Nghĩa quân bắt Tô Định phải đền tội, thu lại 65 thành:

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta...

Trang sử hào hùng ấy mãi còn sống với non sông Việt Nam. Cho dù chỉ làm vua ba năm nhưng Hai Bà Trưng đã nêu cao tấm gương bất khuất, ý chí độc lập dân tộc cho muôn đời sau.

Thần tích kể rằng: Hai Bà là consinh đôi của mẹ Man Thiện Trần Thị Đoan, người làng Nam Nguyễn (nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Về sau, mẹ cũng là một tướng của con gái, từng đốc quân đi cứu viện, bị quân Mã Viện bao vây, mẹ đã nhảy xuống sông trẫm mình. ở quê mẹ vẫn còn ngôi mộ cổ gọi là Mả Dạ và miếu thờ người sinh ra hai nữ Anh hùng dân tộc.

Nơi Hai Bà Trưng dựng cờ nương tử nay là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Tương truyền đền Hát Môn thờ Hai Bà có từ cuối thế kỷ X. Lúc đầu chỉ là một am nhỏ, có diện mạo bề thế như bây giờ vào cuối thế kỷ XIX. Đền có tấm bia đá đặt trên lưng rùa dựng thời Vĩnh Tộ (1619-1629) ghi lại công tích của hai nữ Anh hùng cứu quốc. Trước cửa đền có ngôi miếu nhỏ thờ một cụ bà người làng, tương truyền đã làm bánh trôi khao quân thuở ấy. Hội đền vào ngày mồng 8-3 âm lịch, ngày Hai Bà tuẫn tiết ở căncứ Cấm Khê (huyện Thạch Thất - Hà Tây) năm Quý Mão (43). Nơi ấy còn ngọn núi mang tên Vua Bà. Hội HátMôn có tụccúng bánh trôi. Khay bánh xếp đủ 100 viên nhỏ. Cúng xong, dân làng bỏ 49 viên vào bông sen thả xuống sông Hát để trôi ra biển. Phải chăng đó là hình tượng nhắc lại thời vua Hùng đưa nửa số con xuống miền bể dựng nghiệp và cũng vì vậy mà có tên bánh trôi ?

Chéo xuống phía xuôi sông Hồng, ở bên bờ Bắc là làng Hạ Lôi, nơi lập đô của Hai Bà Trưng, nay thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Dấu tích thành Dền của Hai Bà xây đắp vẫn còn ở hai làng Hạ Lôi và Cư An.

Đền Hạ Lôi hướng cửa ra sông Hồng, trong có bức hoành sơn son thếp vàng nổi lên ba chữ Vạn cổ hương.Hội đền mở ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, ngày Hai Bà xuất quân trị giặc Hán. Một cuộc diễn tập trận như đám rước lớn từ đền ra sông. Thời trước, đám rước trận có đủ 150 quân nam, 150 quân nữ. Họ hát khúc ca tương truyền có từ xưa. Bên nữ hát: “Ta lên núi, đuổi đàn hươu, chị em ta nào quản sớm chiều”. Bên nam hát: “Ta lên núi, đuổi đàn nai, anh em ta khó nhọc bao nài”. Rồi họ đồng ca như một điệp khúc: “Nỗi niềm tâm sự than thở cùng ai. Đoái trông phương Đông nước rộng mênh mông. Đoái trông phương Tây đá trắng gồ ghề. Đoái trông phương Nam mây che đầu ngàn. Đoái trông phương Bắc núi cao ngất !”. Họ rước kiệu ra sông lấy nước rồi trở về đền.

Ở nội thành, Hai Bà được thờ ở đền Đồng Nhân. Đền vốn dựng từ thế kỷ XII đời vua Lý Anh Tông ở ngoài bãi sông Hồng. Tương truyền sau khi Hai Bà tuẫn tiết đã hóa thành tượng đá trôi theo dòng, đến bãi Đồng Nhân thì nổi lên và tỏa sáng. Dân làng rước tượng lên lập đền thờ phụng. Đó là ngày mồng 6 tháng Hai âm lịch và từ ấy thành ngày mở hội. Tượng Hai Bà đặt trong hậu cung lớn hơn người thật, bà chị mặc áo vàng, bà em mặc áo đỏ, tay giơ lên ngang mặt như đang cổ vũ quân dân. Hai bên là tượng 12 nữ tướng từng theo Hai Bàdựng nghiệp lớn như Lê Chân, Nàng Tía, ả Lã Nàng Đê... Năm 1819, bãi ngoài sông bị lở, dân làng dời đền vào khu Võ Sở, thôn Hương Viên hiện nay. Hội Đồng Nhânxưa có tục rước kiệu ra sông lấy nước làm lễ tắm tượng, có trò múa đèn do tốp nữ thực hiện theo nhịp trống đồng. ở bãi Đồng Nhân xưa, nay vẫn còn ngôi miếu thờ Hai Bà ghi lại dấu xưa.

Về dự các lễ hội của Hai Bà Trưng như một sự trở về nguồn, trở về với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm anh hùng của dân tộc trong những nét lễ hội mùa xuân đậm đà bản sắc văn hóa Việt.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phất cờ nương tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.