Theo dõi Báo Hànộimới trên

Pháp cấm sử dụng đồ nhựa đựng thực phẩm

Nguyễn Thúc| 25/09/2016 06:58

(HNM) - Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm triệt để toàn bộ đĩa, cốc và các phụ kiện ăn uống làm bằng nhựa (plastic) khi thông qua đạo luật mới có hiệu lực kể từ năm 2020.

Quyết định này cũng là một phần trong kế hoạch "Chuyển đổi năng lượng cho tăng trưởng xanh” - vốn bao gồm cả việc cấm sử dụng túi nhựa tại các siêu thị kể từ ngày 1-7 và cửa hàng rau củ quả từ đầu năm 2017.

Ảnh: Internet


Thực tế, dù túi nhựa cũng bị cấm hoặc hạn chế sử dụng ở nhiều khu vực trên thế giới, nhưng chưa nước nào mạnh tay và triệt để như Pháp trong lần này. Theo quan điểm của Chính phủ Pháp, động thái mới sẽ giúp kích thích nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chất thải và khuyến khích các sản phẩm ngay từ đầu được thiết kế để có thể tái chế. Ước tính ban đầu cho thấy lệnh cấm sẽ giúp tỷ lệ vật liệu sinh học và phân hủy được sử dụng trong việc chế tạo đồ dùng ăn uống đạt 50% trong 3 năm tới và 60% vào năm 2025. Cũng trong đạo luật mới, việc sử dụng các phụ kiện ăn uống làm từ vật liệu phân hủy được hoặc có nguồn gốc sinh học vẫn được chấp nhận.

Ngay khi vừa được công bố, đạo luật đã nhận được sự hoan nghênh từ nhiều người dân. Trên thực tế, việc sử dụng đồ nhựa để đựng thực phẩm đã nhận được nhiều khuyến cáo của các cơ quan y tế vì những hóa chất độc hại trong nhựa có khả năng ngấm vào thức ăn, gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là những loại thức ăn, đồ uống nóng. Bên cạnh đó, nhựa luôn là vật liệu tiềm ẩn nguy hại tới môi trường do không phân hủy được mà chỉ phân tách thành các mảnh nhỏ dần và phát tán vào tự nhiên.

Trong những năm qua, nhiều trường hợp động vật hoang dã bị chết do không phân biệt được nhựa plastic với thức ăn - đặc biệt là ở biển. Số liệu từ nhiều nhóm bảo tồn tự nhiên cũng chỉ ra rằng vào năm 2050, các đại dương sẽ chứa nhiều rác nhựa hơn cả cá nếu không có động thái kìm hãm tốc độ xả thải nào được đưa ra. Mặt khác, để tạo ra nhựa, thế giới cũng sử dụng hàng triệu thùng dầu thô mỗi năm, điều càng đe dọa nghiêm trọng hơn tới môi trường và tác động không nhỏ tới biến đổi khí hậu. Trong khi đó, con người chỉ mất 1 giây để tạo ra một chiếc túi nhựa phổ thông, sử dụng trong khoảng 20 phút và chờ... 400 năm để nó phân hủy tự nhiên.

Riêng tại Pháp, chỉ trong năm 2015 đã có tới 4,73 tỷ cốc nhựa được thải ra. Trong khi đó, hằng năm có tới 17 tỷ túi nhựa các loại được sử dụng luân chuyển trong các cửa hàng, siêu thị trên khắp lãnh thổ quốc gia Châu Âu này. Đây là mức tương đương 80 túi nhựa/người dân mỗi năm - gấp 20 lần so với Đan Mạch và Phần Lan, nhưng chỉ bằng 1/5 so với Ba Lan. Vì thế, trong bối cảnh sản lượng vật liệu nhựa để đáp ứng nhu cầu thế giới đã tăng tới 20 lần trong 50 năm qua (và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới), quyết định này của Pháp thực sự đáng hoan nghênh.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng chia sẻ tầm nhìn “xanh” như vậy. Đạo luật mới cũng đã gặp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà sản xuất bao bì nhựa. Cụ thể, Tổ chức Pack2Go Europe có trụ sở tại Brussels (Bỉ), đại diện cho các nhà sản xuất bao bì Châu Âu, cho rằng các biện pháp mới là "hết sức vô lý”. Tổng Thư ký Eamonn Bates của tổ chức này đã kêu gọi Ủy ban Châu Âu (EC) có hành động pháp lý phù hợp để chống lại đạo luật trên của Pháp với lý do đã vi phạm luật pháp Châu Âu. Ông Bates cũng đồng thời cáo buộc lệnh cấm của Pháp vi phạm quy định lưu thông hàng hóa tự do trong Liên minh Châu Âu và khẳng định Pack2Go Europe sẽ tìm mọi cách để chống lại lệnh cấm của Pháp. Trong khi đó, việc những người ủng hộ đạo luật mới mong muốn đẩy thời gian áp đặt lên sớm hơn cũng đối mặt một số khó khăn. Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal trước đây từng bày tỏ lo ngại lệnh cấm mới có thể làm tăng gánh nặng kinh tế đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp vốn thường xuyên phải sử dụng các bộ đồ ăn bằng nhựa - lý do khiến đạo luật mới được “hoãn” thực thi tới năm 2020, đủ để các nhà sản xuất cũng như người dân có thời gian điều chỉnh, thích nghi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Pháp cấm sử dụng đồ nhựa đựng thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.