(HNM) - Là điểm nóng dịch Covid-19 của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên đối diện với những thông tin thất thiệt, giả mạo trên mạng xã hội, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố. Ngoài việc xử nghiêm đối tượng tung tin, thành phố đã phản ứng nhanh nhạy bằng cách đưa ra thông tin chính thống từ cơ quan có thẩm quyền, kịp thời dập tắt tin giả.
Sáng 20-8, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin gây nhiễu về công tác phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có thông tin thành phố sẽ đóng cửa hoàn toàn trong hai tuần tới. Thông tin này đã gây hoang mang đối với người dân. Ngay lập tức, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh, không có chuyện lockdown (đóng cửa) như tin đồn. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch với 5 giải pháp để tiến tới kiểm soát dịch sau ngày 15-9 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ.
Trước đó, nhiều thông tin giả, bịa đặt về công tác phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh liên tục xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Đơn cử, ngày 13-8, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin kèm hình ảnh “sau khi quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc, dân bỏ về hết”. Ngay lập tức trong ngày, Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức khẳng định, thông tin trên là giả. Theo UBND quận 12, ngày 13-8, quận không tổ chức tiêm vắc xin trong cộng đồng.
Hay tối ngày 7-8, cũng mạng xã hội trên xuất hiện nội dung chia sẻ của một tài khoản tên Trần Khoa, được cho là bác sĩ sản phụ khoa. Theo nội dung chia sẻ, “bác sĩ Khoa” đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường lại sự sống cho sản phụ song thai và thực hiện ca mổ bắt con thành công. Thông tin này nhanh chóng được người dùng mạng xã hội chia sẻ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch tại thành phố và uy tín của ngành Y tế. Ngày hôm sau, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thông tin này là hoàn toàn hư cấu.
Chị Phan Thị Ngọc Châu (ở phường Cô Giang, quận 1) cho biết, hiện nay phần lớn người dân sử dụng mạng xã hội và không ít trong số đó chủ yếu cập nhật thông tin từ nền tảng này. Việc sử dụng mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Nếu không tỉnh táo, chọn lọc và kiểm chứng thông tin thì người dùng vô tình tiếp nhận và chia sẻ thông tin giả mạo. Trong đó, có thông tin giả gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, cản trở công tác phòng, chống dịch bệnh tại thành phố.
Còn theo luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc điều hành Hãng luật Giải Phóng, người dùng mạng xã hội không nên vội vàng chia sẻ những thông tin, bài viết mà cần có sự kiểm chứng, tránh trường hợp vô tình tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, thực hiện mục đích tiêu cực.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, tại thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 12 triệu tài khoản của người dùng đăng ký sử dụng mạng xã hội Facebook. Từ ngày 9-8 đến ngày 19-8, đơn vị đã phối hợp với Công an thành phố phát hiện, xử lý các hành vi cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với 3 chủ tài khoản mạng xã hội.
Ngoài việc xử lý các chủ tài khoản có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã xem xét, xử lý hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin có nội dung hiểu nhầm, hiểu sai, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của 5 chủ tài khoản khác. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã ban hành quyết định xử phạt với mức phạt 5 triệu đồng đối với từng chủ thể có hành vi vi phạm theo quy định.
Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Thọ cho biết, hiện Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đang tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, kiểm tra và phát hiện tin giả, tin thiếu chính xác... để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.