Quy hoạch

Phân quyền mạnh cho Hà Nội để tái cân bằng đô thị

Bảo Hân 23/11/2023 5:46

Việc di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô được xem là giải pháp quan trọng để phát triển và tái cân bằng đô thị. Quy định về nội dung này đang được tiếp tục kế thừa, điều chỉnh và bổ sung điểm mới tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm phù hợp với thực tiễn.

huu-nghi.jpeg
Hà Nội đang chịu nhiều áp lực về quá tải hạ tầng dẫn đến ùn tắc giao thông. Ảnh Hữu Nghị.

Chậm trễ di dời trụ sở các bộ, ngành khỏi nội đô

Khu vực trung tâm Hà Nội đã và đang chịu nhiều áp lực như quỹ đất ngày càng eo hẹp, quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, việc di dời nhà máy, công sở, bệnh viện, trường đại học... ra khỏi nội đô được xác định là cần thiết.

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 3-2021, đặt mục tiêu đến năm 2030, kéo giảm số dân khu vực này khoảng 215.000 người. Một trong các giải pháp để thực hiện là di dời các cơ sở công nghiệp, trụ sở cơ quan trung ương, cơ sở giáo dục, y tế...

Đáng lưu ý, việc di dời cũng sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình công cộng và không gian xanh đang rất thiếu.

Đòi hỏi từ thực tiễn lớn là vậy nhưng việc tổ chức triển khai từ khâu lập chương trình, kế hoạch, đề án di dời cho đến thực thi trên thực địa vẫn còn chậm. Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, các cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng các khu đất sau di dời, bàn giao cho cơ quan trung ương quản lý hoặc được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất (đầu tư xây dựng dự án nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng).

Cụ thể, với 9 bộ, ngành, cơ quan trung ương hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới thì có 7 đơn vị tiếp tục giữ trụ sở cũ hoặc bàn giao cho cơ quan trung ương quản lý. 2 cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê.

Đối với các trường đại học, cao đẳng cũng chỉ có số ít là thực hiện di dời như Đại học Y tế công cộng hay Đại học Quốc gia Hà Nội (chuyển một phần hoạt động tới Hòa Lạc, huyện Thạch Thất)…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã có văn bản nhiều lần đôn đốc các bộ, ngành trung ương và Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ được giao về việc di dời theo quy hoạch. Tuy nhiên, việc thực hiện còn khó khăn do nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng.

Về lộ trình di dời trụ sở các cơ quan, cơ sở ra khỏi nội thành Hà Nội trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan trung ương, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan trung ương các đoàn thể, thuộc đối tượng quy hoạch để xây dựng phương án quy hoạch cụ thể. Đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành tại Hà Nội cũng đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 4-2023.

Phân quyền mạnh và bổ sung những quy định mới

Chiều 10-11, phát biểu tại tổ thảo luận của Quốc hội (kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV) về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đưa ra yêu cầu việc hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần theo hướng giao thẩm quyền mạnh hơn cho thành phố, nhằm giải quyết được một số hạn chế, bất cập, trong đó có di dời cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng gợi ý, Hà Nội cần có cơ chế bỏ tiền ngân sách ra giải phóng mặt bằng, thậm chí xây trụ sở mới cho trường đại học, bệnh viện. Cơ sở cũ có thể trả lại cho thành phố hoặc làm cơ sở đào tạo sau đại học, cơ sở nghiên cứu hợp tác quốc tế để giảm dân cư.

Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các quy định liên quan đến việc di dời các cơ sở sản xuất, bệnh viện ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô lịch sử đã tiếp tục được kế thừa và có sự điều chỉnh so với quy định tại Điều 9, Luật Thủ đô 2012, phù hợp với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm hạn chế mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng xây mới các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, nghề nghiệp… trong khu vực nội đô lịch sử.

Theo các chuyên gia quy hoạch, quy định mới này điều chỉnh cho phép mở rộng quy mô giường bệnh là cần thiết, phù hợp với thực tiễn vì hiện nay, dân số của Hà Nội đã lên tới khoảng 8,5 triệu người. Đặc biệt, tính từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ tăng dân số ở đô thị là 49,82%, trong khi ở nông thôn chỉ là 7,46%. Như vậy, việc tiếp tục duy trì một số bệnh viện hiện có với quy mô phù hợp, vừa đáp ứng được nhu cầu của dân cư của Hà Nội và người dân cả nước, đồng thời, đáp ứng mục tiêu di dời các cơ sở y tế gây ô nhiễm ra khỏi đô thị trung tâm.

y-tuong.jpeg
Ý tưởng đạt giải A tại cuộc thi Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây do Bộ Xây dựng tổ chức.

Về nội dung sử dụng quỹ đất sau di dời (Khoản 3 Điều 20) quy định quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm “được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa". Quy định này được nhận định là nội dung mới nhằm cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị cũng như đặt ra điều kiện, nhiệm vụ cụ thể đối với việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời.

Tuy nhiên, để bảo đảm thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, tránh việc tùy tiện, lạm dụng trong việc tổ chức thực thi quy định này, một số ý kiến đề nghị dự thảo điều chỉnh theo hướng quy định rõ quỹ đất sau khi di dời chỉ được sử dụng để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội, như trường học, thư viện, không gian, công trình văn hóa và thể thao, công viên, vườn hoa, cây xanh...

Với quyết tâm cao trong giải quyết hạn chế, bất cập đã tồn tại qua nhiều năm, các quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến mới trong phát triển và tái cân bằng đô thị.

Theo Kiến trúc sư Vũ Hoài Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), một trong những biến chuyển mới đó là trong tương lai gần, Hà Nội sẽ có những công sở, khu công nghiệp, đô thị đại học và bệnh viện tuyến đầu - mới, hiện đại phân bố hợp lý, đóng góp vào sự phát triển đô thị bền vững, vừa thể hiện vị thế Thủ đô, vừa kế thừa bản sắc đô thị ngàn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân quyền mạnh cho Hà Nội để tái cân bằng đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.