Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân luồng học sinh: Tăng định hướng nghề nghiệp

Thanh Tàu| 01/04/2019 10:37

(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra rất nhiều chính sách thu hút học sinh theo học nghề. Tuy nhiên, để việc phân luồng học sinh sau bậc học phổ thông đạt hiệu quả cao hơn, cần tăng cường thông tin định hướng xã hội; nâng cao chất lượng công tác dự báo, hướng nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phân luồng học sinh chưa đồng đều

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 58 trường đại học, 50 trường cao đẳng, 68 trường trung cấp, 65 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 278 doanh nghiệp có đào tạo nghề và 59 cơ sở khác có dạy nghề. Hằng năm tại thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 175.000 thí sinh.

Dự báo nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp tại thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng trong thời gian tới. Trong ảnh: Học sinh Trường Trung cấp Đại Việt thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành.


Số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong giai đoạn 2018-2025 và đến năm 2030, nhu cầu nhân lực tại thành phố dự báo mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (trong đó 150.000 chỗ làm việc tăng thêm). Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân 85%, trong đó nhu cầu nhân lực có sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ 21%, trình độ trung cấp 28%, trình độ cao đẳng 16%, trình độ đại học trở lên 18%.

Như vậy, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất và dự báo sẽ có xu hướng tăng qua các năm, nhưng nguồn cung hiện chỉ đáp ứng khoảng 10%. Vấn đề thiếu hụt nhân lực trình độ trung cấp tập trung vào các nhóm ngành kỹ thuật như cơ khí - tự động hóa - luyện kim; điện - điện công nghiệp - điện lạnh; công nghệ thông tin; điện tử - cơ điện tử; xây dựng; điện tử - viễn thông; du lịch - nhà hàng - khách sạn…

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường THCS đã có chuyển biến rất nhiều từ hai năm trở lại đây. Các trường không chỉ đa dạng hình thức tư vấn, hướng nghiệp, mà còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa cho học sinh tại các xưởng nghề, làng nghề hoặc các ngày hội triển lãm, tư vấn nghề nghiệp… Tuy nhiên, hiệu quả công tác phân luồng học sinh chưa thật đồng đều và chưa chuyển dịch đậm nét.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, lộ trình từ nay đến năm 2020 tỷ lệ vào lớp 10 công lập mỗi năm sẽ giảm 3%, đến năm 2020 chỉ còn 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập, số còn lại sẽ được phân luồng.

Mục tiêu là đến năm 2020 số học sinh THCS có 70% học sinh vào học trường phổ thông và 30% (khoảng 20.000 học sinh/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp. Sau THPT có 40% học sinh vào học cao đẳng, đại học và 60% (khoảng 33.000 học sinh/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp. Hiện nay, con số này đang ở mốc 74%, do đó sắp tới ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp phân luồng học sinh. Đặc biệt, năm nay số học sinh cần phân luồng sau lớp 9 là hơn 20.000 học sinh.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải chất lượng

Thực tế cho thấy, công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS tại các trường hiện nay còn yếu và chịu nhiều áp lực từ phụ huynh cũng như tâm lý chuộng bằng cấp của xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các cơ sở cần tăng cường thông tin định hướng xã hội, không nên chú trọng “chạy” theo bằng cấp, vì thị trường lao động cần người có năng lực hành nghề. Do đó, học sinh sau khi học xong trung học cần chọn nghề theo năng lực, điều kiện và xu hướng phát triển thị trường lao động.

Tương tự, Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần xây dựng Cổng thông tin hướng nghiệp thành phố kết nối với các trường THPT, THCS và cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, Hội Giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, dạy nghề và doanh nghiệp; thực hiện chương trình hướng nghiệp tại các trường theo định kỳ hằng quý (đưa vào chính khóa và ngoại khóa).

Đặc biệt, cần xác định và cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào đạo của từng trường đào tạo nghề, gắn kết với nhu cầu thực tế của xã hội theo ngành nghề và trình độ đào tạo. Chỉ tiêu từng ngành đào tạo của trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường dạy nghề nên căn cứ vào nhu cầu thị trường lao động...

Để làm tốt công tác phân luồng, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” cần phải có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.

"Cần phải quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước, kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực học sinh chuẩn xác, từ đó đưa ra khuyến cáo. Đặc biệt, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phân luồng học sinh: Tăng định hướng nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.