Kinh tế

Phấn đấu đến năm 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 tỷ USD/năm

Bảo Minh 23/09/2024 - 06:39

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21-9-2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

cong-nghe.jpg
Sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam (Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

At2 Sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam (Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

Theo quyết định, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2030), Việt Nam phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn. Giai đoạn 2 (2030-2040), trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI. Giai đoạn 3 (2040-2050), trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2030), quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10-15%. Giai đoạn 2 (2030-2040), quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15-20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15-20%. Giai đoạn 3 (2040-2050), quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20-25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20-25%.

Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Chiến lược đề ra 5 nhiệm vụ với các giải pháp thực hiện cụ thể, gồm: Phát triển chíp chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử; phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn; thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn; một số nhiệm vụ và giải pháp khác.

Cũng theo chiến lược, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Cùng với đó là thành lập Tổ Chuyên gia tư vấn chuyên môn về công nghiệp bán dẫn do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng, nhằm cung cấp các kiến thức, phân tích chuyên sâu về chuyên môn để tham mưu, tư vấn giúp Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

* Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21-9-2024 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Theo Quyết định, mục tiêu chung là đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; trong đó đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đến năm 2050, Việt Nam có đội ngũ nhân lực mạnh, gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu đến năm 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 tỷ USD/năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.