Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phần còn lại là của các công dân tương lai

Người lái đò| 03/10/2010 05:46

(HNM) - Ai cũng biết, hiểu lịch sử để tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông, hiểu văn hóa để giữ gìn, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc những giá trị mới làm cho văn hóa ngày càng phong phú. Tuy nhiên, ngoài việc thiếu tài liệu, ít bảo tàng thì phương pháp giảng dạy thế nào để học sinh hào hứng với học sử Việt Nam và lịch sử địa phương, nơi học sinh đang sống là điều đáng nói. Và Hà Nội đã làm được...


Ngay từ năm 2001, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện dự án: "Giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho học sinh Thủ đô". Ban Quản lý dự án đã mời các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà giáo có kinh nghiệm biên soạn 4 giáo trình gồm: "Lịch sử Hà Nội", "Một số chuyên đề về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội", "Hướng dẫn dạy học lịch sử Hà Nội" và "Hướng dẫn dạy học một số chuyên đề về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội" để học sinh Hà Nội có thể tiếp thu dễ hơn lối dạy truyền thống, vốn khô khan và khó nhớ. Trong năm 2006, đã có 50.000 cuốn "Lịch sử Hà Nội" được chuyển về thư viện các trường phổ thông làm tài liệu cho học sinh và các thầy, cô giáo. Cũng để cho công dân Thủ đô, đặc biệt là các công dân trẻ và công dân tương lai, có thêm tư liệu về kinh đô Thăng Long đời Lý, Trần, Đông Kinh thời Mạc và Đông Đô thời nhà Lê đến Hà Nội thời Nguyễn xây dựng và đánh giặc, UBND TP Hà Nội cho triển khai dự án: "Tủ sách Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến" từ năm 2006. Đến nay, gần một trăm đầu sách đủ các thể loại từ lịch sử, thơ, tiểu thuyết, tạp văn đến nhận định, đánh giá của người nước ngoài về Hà Nội... đã được in với số lượng hàng chục nghìn bản.

Không chỉ có sách, học sinh Hà Nội còn thuận lợi là Bảo tàng Lịch sử, Bào tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam... ăm ắp những hiện vật sống động nằm ngay trên đất Thủ đô. Mới đây, sau lễ khai giảng năm học 2010-2011, tiết học đầu tiên của học sinh tiểu học, THCS và các trung tâm giáo dục thường xuyên ở Hà Nội là lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, ngày 6-10 tới, Bảo tàng Hà Nội hoành tráng và hiện đại được khánh thành và đây sẽ là nơi trưng bày 16.000 hiện vật có giá trị qua các thời kỳ, tạo cơ hội tuyệt vời cho việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Lịch sử, văn hóa là một dòng chảy liên tục, vì thế giáo dục cũng phải là quá trình liên tục. Nếu trước kia cơ sở vật chất cho học tập lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng và dân tộc nói chung còn thiếu thốn thì nay thành phố đã đáp ứng khá đầy đủ. Như vậy, phần còn lại, học để thêm yêu và có trách nhiệm với Thủ đô, chính là ý thức của các công dân tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phần còn lại là của các công dân tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.