Chính trị

Phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù Thủ đô

Tiến Thành 26/03/2024 - 13:38

Sáng 26-3, tiếp tục chương trình, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 đã thảo luận một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

trinhxuanan.jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) phát biểu thảo luận.

Phân cấp theo điều kiện thực tế Thủ đô

Thảo luận tại hội nghị, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá hồ sơ dự thảo Luật được các cơ quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng; cơ bản thống nhất với bố cục và nhiều nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý.

Về vấn đề phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đề cập hơn 80 nội dung trong dự thảo Luật giao HĐND thành phố quy định chi tiết. “Đây là nhiệm vụ rất nặng nề trong khi HĐND thành phố không chỉ thực hiện các nhiệm vụ dự kiến được Luật Thủ đô giao”, đại biểu nói và cho rằng, số lượng đại biểu HĐND thành phố cần được tăng lên 150 đại biểu, trong đó khoảng 30% đại biểu chuyên trách.

Đối với tổ chức chính quyền Thủ đô, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị, cần có khung tối đa số cơ quan chuyên môn của thành phố Hà Nội để không xảy ra tình trạng tùy tiện trong tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố Hà Nội khi dự thảo Luật đã quy định giao quyền này cho HĐND thành phố.

lethanhvan.jpg
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) thảo luận tại phiên họp.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, với đặc thù của Hà Nội, cần trao cho thành phố quyền tự tổ chức các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, bên cạnh khung của Chính phủ, cần tạo điều kiện cho Hà Nội thành lập các cơ quan phù hợp với điều kiện, đặc điểm của thành phố.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang), dự thảo Luật quy định cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý, được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, khi thực hiện cải cách tiền lương thì các cơ chế đặc thù sẽ bị bãi bỏ hết. Thu nhập tăng thêm chính là phụ cấp và sẽ bị bãi bỏ khi cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024, do vậy cần được xem xét lại trong dự thảo Luật.

Về vấn đề đại biểu Trần Văn Lâm đề cập, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Hà Nội có cơ sở để thực hiện khi tổng biên chế hiện nay của thành phố rất thấp. Do đó, trong Luật cần quy định Hà Nội được phép sử dụng tổng quỹ lương theo mức biên chế bình quân của cả nước. “Với tổng quỹ lương như vậy nhưng biên chế thấp hơn bình quân chung cả nước thì được dùng phần chênh lệch mức lương để thành thu nhập tăng thêm. Điều này sẽ khuyến khích không tăng biên chế, tiết kiệm biên chế để trả lương cho người lao động nhiều hơn, từ đó đạt được cải cách thực sự về tiền lương”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

phamtrongnghia.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn).

Thận trọng với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn), dự thảo Luật quy định cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực, nhưng nên tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. “Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND thành phố quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: Tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn Lạng Sơn cũng cho rằng, dự thảo Luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm đang thế nào, hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các quy định này.

Cùng quan điểm, theo đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam), cần quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù, không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan.

dsc_4732.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) đặt vấn đề, làm thế nào để Hà Nội là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước khi thành phố là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu với nhiều chuyên gia đầu ngành...

“Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn Thủ đô thiếu cơ chế linh hoạt, như chế độ sử dụng tài sản công khi được các tổ chức cho tặng, cơ chế thử nghiệm giải pháp công nghệ mới, cơ chế mua sắm thiết bị đặc thù...”, đại biểu nói và đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách để Hà Nội bứt phá nghiên cứu và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là mô hình chuẩn có thể nhân rộng trong tương lai.

dsc_4903.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau hội nghị, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu, giải trình gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và Quốc hội xin ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh một bước nữa, xin ý kiến Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản chính thức tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ bảy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp, phân quyền phù hợp với đặc thù Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.