Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Mai Hữu| 31/05/2023 16:05

(HNMO) - Việc 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện được các đại biểu Quốc hội đánh giá nguyên nhân là do bất cập trong phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên).

Qua thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023 diễn ra ngày 31-5, các đại biểu Quốc hội nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) phân tích thêm về vướng mắc nhất trong giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đối với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu chỉ rõ, vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương theo từng dự án thành phần giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục văn hóa, kinh tế dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương. "Nội dung cần chi thì không được phân bổ, có những nội dung thì được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi không thể giải ngân được….”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Quan tâm đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho biết, các văn bản hướng dẫn còn chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Chưa có sự phân cấp triệt để cho các địa phương chủ động tiến hành công việc, nên có nhiều khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, sớm đạt được hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương khẩn trương tháo gỡ những khó khăn cho địa phương khi thực hiện, đặc biệt cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, các tiêu chí, định mức, các nội dung mang tính chất lồng ghép để các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ đúng quy định và hiệu quả.

Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai).

Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) cũng đề nghị, Quốc hội, Chính phủ giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 giống như đầu tư công cho địa phương để địa phương chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện. Giao vốn sự nghiệp hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cần giao tổng kinh phí từng dự án thành phần, không giao chi tiết đến lĩnh vực chi để địa phương chủ động phân bổ cho từng lĩnh vực, phù hợp với thực tế của từng địa phương.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cho rằng, đến thời điểm hiện nay, còn một số dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoặc có nhưng còn mâu thuẫn, không thống nhất dẫn đến các địa phương lúng túng chậm triển khai tiến độ giải ngân đạt thấp, gây lãng phí, giảm hiệu quả vốn sử dụng, làm chậm tiến độ thực hiện.

“Đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, chỉ đạo các bộ, ngành trung ương khẩn trương đẩy mạnh việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo quy trình thủ tục rút gọn, bảo đảm phù hợp với tình hình và năng lực thực thi của cấp cơ sở”, đại biểu Tráng A Dương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.