Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân cấp cũng cần “nhạc trưởng”

Võ Lâm| 23/09/2010 06:45

(HNM) - HĐND TP Hà Nội đã kết thúc đợt khảo sát tình hình phân cấp quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn tại 3 sở Tài chính, Y tế, Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và 7 quận, huyện, thị xã. Kết quả cho thấy nhiều việc phân cấp chưa dứt điểm, thiếu triệt để khiến cấp thành phố


Nhiều vướng mắc, bất cập


Đợt khảo sát tình hình phân cấp của HĐND TP nhằm tìm ra những bất cập, vướng mắc để khắc phục và lên kế hoạch phân cấp cụ thể cho giai đoạn 2011-2015, sẽ được quyết đáp vào kỳ họp cuối năm nay của HĐND TP.


Việc phân cấp hợp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, kịp thời đáp ứng nhu cầu dân sinh.Ảnh: Linh Tâm

Kết quả mà 3 đoàn khảo sát thu được đủ để hình dung một bức tranh khá toàn diện về tình hình phân cấp của TP hiện nay với những bất cập, vướng mắc rất rõ ràng. Phân cấp còn thiếu quyết đoán, thiếu triệt để là tình trạng khá phổ biến. Đơn cử như quản lý điện chiếu sáng, hiện nay do cấp TP chủ trì. Nhưng vì hệ thống rất phức tạp với hàng ngàn kilômét đèn đường, phố, ngõ, nên hỏng hóc không được khắc phục kịp thời, trong khi cấp quận phát hiện sớm, có thể xử lý nhanh, nhưng lại không được phân quyền. Mặt khác, vì cấp TP chủ trì, mạng lưới rộng, phức tạp, nên việc lắp đặt chiếu sáng cho các ngõ nhỏ rộng dưới 2m chưa được đáp ứng, cho dù người dân đã kiến nghị suốt mấy năm qua. "Có những ngõ rất dài, có đoạn rộng dưới 2m, nhiều đoạn lại trên 2m, nhưng cũng không được lắp đèn chiếu sáng. Quận rất lúng túng trước nhu cầu của dân" - Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Văn Chanh cho biết. Theo ông, TP nên phân cấp cho cấp quận quản lý điện chiếu sáng trong ngõ để kịp thời phục vụ nhân dân cũng như duy tu, bảo dưỡng.

Trên địa bàn huyện Gia Lâm có hai con đường "đau khổ" là đường 179 và 181. Nhiều năm qua, tình trạng xuống cấp của hai con đường trở nên rất nghiêm trọng. Nhưng vì quy định đường, phố có tên do cấp TP quản lý, nên muốn sửa chữa thì phải có dự án và xin phép TP. UBND huyện đã phải chỉ đạo đổ tạm đất đá để giúp học sinh đi lại đỡ khổ hơn. Đáng buồn là từ năm 2006, đường 181 đã có dự án cải tạo, nhưng phải đến năm 2008 mới khởi công, đến nay vẫn chưa hoàn thành được 1/3 đoạn đường chỉ dài 6km. Trong khi đó, nửa còn lại của đường 181 thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh đã được cải tạo mới. "Anh Hùng (ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT) thiết tha muốn huyện làm để đẩy nhanh tiến độ, nhưng việc chưa được phân cấp" - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Huy Việt chia sẻ. Nhiều lãnh đạo đoàn khảo sát và cán bộ địa phương có chung đánh giá rằng, quy định đường, phố có tên thì TP quản lý là rất máy móc và cần thay đổi theo đúng phương châm "cấp nào quản lý tốt hơn thì giao cho cấp đó".

Cần một "nhạc trưởng"

Những bất cập trong phân cấp quản lý còn được thể hiện ở khá nhiều mảng, trong đó đáng kể nhất là các lĩnh vực như thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật, quản lý trung tâm y tế, trạm y tế cấp xã… Hiện nay việc phân cấp những lĩnh vực này chưa triệt để, chưa khai thác hết sự chủ động của chính quyền địa phương, thậm chí còn tạo ra tình trạng chồng chéo hoặc làm phiền người dân. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Sang phân tích: "Trước đây, khi phát hiện dịch bệnh đồng ruộng, vật nuôi, địa phương sẽ chỉ đạo các đơn vị bảo vệ thực vật, thú y thực hiện phun thuốc, tiêm phòng. Hoặc khi ruộng đồng khô hạn, huyện sẽ chỉ đạo các trạm bơm cấp nước cho bà con nhanh chóng. Nhưng hiện nay, do cấp sở quản lý các cơ sở trên, khi cần, địa phương yêu cầu trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y phun thuốc, tiêm thuốc thì họ phải đợi ý kiến chỉ đạo của sở. Nếu cứ như thế sẽ bỏ lỡ cơ hội chống dịch kịp thời". Mặt khác, vì các đơn vị trên thuộc sở, nên khi xuống làm việc với cấp xã cũng gặp khó khăn, do xã lại phải chờ ý kiến của huyện. Lãnh đạo huyện Gia Lâm còn phản ánh, việc thanh toán tiền mai táng phí cho đối tượng chính sách hiện nay rất phức tạp. Vì khi có đám tang, UBND xã trình lên UBND huyện, UBND huyện phải trình lên Sở LĐTB&XH duyệt. Sau khi cấp TP duyệt, lại chuyển kinh phí về huyện, huyện chuyển về xã để chi trả, có nhiều trường hợp, từ lúc người ta chết đến lúc nhận được mai táng phí phải mất 3-4 tháng. Huyện đề nghị những việc tương tự, TP nên mạnh dạn giao quyền cho cấp huyện để tạo thuận lợi cho người dân và bảo đảm ý nghĩa của một chủ trương tốt.

Bên cạnh đó, việc phân cấp hiện nay vẫn chưa đi liền với việc tính toán về lực lượng và khả năng đảm đương nhiệm vụ của địa phương. Điển hình nhất là lĩnh vực quản lý tài chính, xây dựng, quy hoạch, kiến trúc đô thị. Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho biết: "Phân cấp nhiều nhưng số lượng người vẫn như cũ, những người có khả năng một chút thì dần chuyển công tác hết." Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Văn Chanh nói thêm rằng: "Lương thấp, chế độ thiếu hấp dẫn, nên khó khăn lớn nhất của các quận, huyện trong thực hiện phân cấp một số lĩnh vực là không thu hút được nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ cao". Đây cũng là vấn đề phổ biến của các quận, huyện, thị xã.

Những bất cập, hạn chế của phân cấp đã kéo dài khá lâu, đến nay vẫn còn "nóng hổi". Điều này cũng là một hạn chế khác của việc phân cấp vì phân cấp chưa đạt tới độ linh hoạt cần thiết để có thể vừa phân cấp vừa có thể kịp thời điều chỉnh trong quá trình triển khai. Chính vì vậy, phân cấp quản lý kinh tế - xã hội cần có một "nhạc trưởng" có quyền lực thực sự và có trách nhiệm được ràng buộc cụ thể để theo sát suốt quá trình phân cấp, kịp thời điều hành cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, từng địa phương cụ thể.


Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh: "Phân cấp là chủ trương đúng khi tạo được sự chủ động, thuận lợi, sáng tạo hơn và nâng cao trách nhiệm cho địa phương khai thác được nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Chúng ta đồng tình là cần tăng cường phân cấp, nhưng sức đến đâu thì phân cấp đến đó. Phân cấp quản lý kinh tế xã hội phải đi kèm với điều kiện về con người, tài chính… mới có thể đem lại hiệu quả công tác".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp cũng cần “nhạc trưởng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.