(HNMO) - Các bệnh này đều có điểm chung là sốt, mệt mỏi, nhức đầu, phát ban nhưng có điểm khác biệt.
Dịch bệnh sốt xuất huyết đang vào những tháng cao điểm khi thời tiết mưa, nắng đan xen, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Đến nay, trên cả nước đã ghi nhận khoảng 130.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 16 trường hợp tử vong.
Còn tại Hà Nội, số liệu mới nhất từ Sở Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, gần 2.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đã được ghi nhận.
Sốt xuất huyết dễ nhầm với một số bệnh khác như sốt phát ban, sởi. Vì vậy, việc phân biệt sốt xuất huyết với các bệnh trên là rất quan trọng.
Bác sĩ Dương Văn Long, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh sởi, sốt phát ban và sốt xuất huyết đều gây ra bởi virus, nhưng sởi và sốt phát ban lây truyền qua đường hô hấp, còn sốt xuất huyết lây truyền qua đường muỗi đốt, truyền từ người bệnh sang người lành.
Bệnh sốt phát ban là tình trạng nóng, sốt và nổi các ban đỏ. Bệnh có triệu chứng phổ biến như sốt cao từng cơn, viêm họng, sổ mũi, ho đi kèm với sốt. Phần lớn các trường hợp, người mắc hết sốt mới phát ban.
Nốt ban sẽ bắt đầu từ vùng ngực, lưng, bụng rồi từ từ lan tới cổ, cánh tay và toàn thân. Ban thường biến mất sau vài ngày mà không gây bất kỳ sự khó chịu nào cho người mắc.
Sốt phát ban hầu hết lành tính. Người bệnh được chăm sóc đúng cách thì sẽ trở về trạng thái tự khỏi sau khoảng 7 ngày mà không có biến chứng gì.
Với bệnh sởi, lúc đầu, người mắc sốt nhẹ, sau đó bệnh có biểu hiện rõ rệt như: Sốt cao, đau cơ khớp, mệt mỏi, đau đầu, cùng với đó là xuất hiện tình trạng viêm mũi gây hắt hơi, sổ mũi, ho có đờm; chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ. Đa số người mắc sởi khi đỡ sốt hoặc hết sốt mới xuất hiện tình trạng mọc các nốt ban sởi.
Các nốt ban sởi thường gây ngứa và khó chịu cho người bệnh. Nốt ban sởi biến mất theo thứ tự đã nổi trên da.
Khác với sốt phát ban, với bệnh sởi, người bệnh không được chăm sóc đúng cách thì sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não tủy...
Người mắc sốt xuất huyết thường đột ngột sốt cao liên tục kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ khớp, ho, sổ mũi, đau nhức hố mắt. Nốt xuất huyết xuất hiện khi người mắc đang sốt hoặc đã hết sốt và không mọc theo thứ tự.
Thông thường, từ ngày thứ tư, bệnh có tiến triển nặng. Nếu người mắc không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Dương Văn Long lưu ý, sốt phát ban và sởi có thể dùng nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau, nhưng với sốt xuất huyết ở giai đoạn giảm tiểu cầu, không dùng Aspirin, Ibuprofen để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết.
Cách đơn giản để phân biệt bệnh sốt xuất huyết với sốt phát ban và sởi là dùng ngón tay cái miết căng vùng da có ban đỏ hoặc chấm đỏ, vùng da bị sung huyết.
“Nếu khi miết và căng da, chấm đỏ mất đi, bỏ tay ra, chấm đỏ trở lại thì đó là mắc sốt phát ban hoặc sởi. Ngược lại, chấm đỏ vẫn còn thì đó là bị sốt xuất huyết”, bác sĩ Dương Văn Long nói.
Tuy nhiên, khi thấy dấu hiệu của bệnh, người mắc nên đi khám, xét nghiệm để xác định bệnh chính xác và được bác sĩ tư vấn, nhằm tránh việc sử dụng thuốc hoặc chăm sóc không đúng cách, dẫn đến bệnh nặng thêm và biến chứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.