Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân ban và những nỗi lo

ANHTHU| 03/08/2006 09:20

Thời điểm này, công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT ở Hà Nội đã cơ bản hoàn tất. Công việc còn lại của Ban giám hiệu các trường là tổ chức  xếp lớp theo các ban cho học sinh (HS), và phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu...

Học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều Ảnh: N.A

Thời điểm này, công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT ở Hà Nội đã cơ bản hoàn tất. Công việc còn lại của Ban giám hiệu các trường là tổ chứcxếp lớp theo các ban cho học sinh (HS), và phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu... Dù đã có hướng dẫn cụ thể, song thực tế triển khai đòi hỏi nhiều ở sự chủ động, linh hoạt của từng đơn vị...

Phân vân chia ban...

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường có thể tùy vào điều kiện thực tế của mình để tổ chức 3 ban, 2 ban hoặc 1 ban, song hiệu trưởng các trường vẫn không khỏi lúng túng. Mỗi trường nên có mấy ban, tỷ lệ giữa các ban như thế nào là hợp lý, số lớp ở mỗi ban là bao nhiêu… là điều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Phương án phân ban trước kỳ tuyển sinh của các trường trình Sở phê duyệt và đã công bố với HS đều có một điểm chung là có số lớp nhiều nhất ở ban Cơ bản (CB), tiếp đến là ban Khoa học Tự nhiên (KHTN), sau cùng là ban Khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV). Tuy nhiên, cũng theo hướng dẫn của cấp trên, các trường đã cho HS trúng tuyển đăng ký 2 nguyện vọng vào 2 ban theo thứ tự ưu tiên. Kết quả thống kê cho thấy, số HS đăng ký học ở ban KHXHNV rất ít, dẫn đến tình trạng ban thì “quá tải”, ban lại chẳng có HS, thậm chí có nơi còn không “gom” đủ được thành một lớp: Trường THPT Nhân Chính chỉ có 20 em đăng ký chọn ban này, trong khi kế hoạch dự kiến là 2 lớp; số lớp ban KHTN từ 7 nay còn 3; số lớp ban CB từ 2tăng lên 8. Trường THPT Trần Phú chỉ có khoảng hơn 20 em đăng ký học ban KHXHNV. Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng có tới 11 lớp ban CB, 2 lớp ban KHTN và không có lớp ban KHXHNV... Như vậy, có thể thấy rằng, ban KHXHNV có nguy cơ... “ế”. Mặc dù các trường đã tuyên truyền, giới thiệu rất kỹ trước khi tiến hành tổ chức phân ban, song hầu hết phụ huynh, HS đều không mấy mặn mà với ban nhiều môn học thuộc, ít trường ĐH có thi tuyển . Tư vấn, định hướng lại sự lựa chọn cho HS là cách mà hiệu trưởng nhiều trường lựa chọn để giảm bớt sự chênh lệch quá lớn về số lớp của các ban.

... Xếp lớp

Khi có danh sách HS trúng tuyển, nhà trường mời các em cùng cha (mẹ) đến trường để nghe phổ biến về đặc điểm, định hướng cũng như yêu cầu của mỗi ban. Dựa vào nguyện vọng của HS, hội đồng tuyển sinh sẽ sắp xếp vào các lớp, theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Danh sách phân ban được niêm yết công khai. Mọi thắc mắc, băn khoăn được hội đồng tuyển sinh nhà trường lắng nghe và giải thích cặn kẽ. Quan điểm chỉ đạo của Sở là yêu cầu các trường tuyệt đối không được tổ chức ôn luyện, kiểm tra để phục vụ cho việc phân ban, chia lớp. Việc phân ban, chia lớp được xét trên cơ sở nguyện vọng và năng lực củaHS và điều kiện thực tế của trường. Đây là khâu khá vất vả với các nhà trường. Theo hiệu trưởng một số trường, việc xếp lớp ở ban KHTN hay KHXHNVkhông mấy khó khăn. Vướng nhất ở ban CB. Qua tìm hiểu, các trường có đầu vào cao thường xếp lớp căn cứ vào môn học tự chọn của HS. Ví dụ, HS đăng ký chọn ban CB, học tự chọn các môn Toán, Lý, Hóa được xếp vào lớp Cơ bản A; HS học tự chọn các môn Toán, Hóa, Sinh được xếp vào lớp Cơ bản B; tương tự như thế sẽ có các lớp Cơ bản C, Cơ bản D... Việc xếp lớp ở các trường còn lại đơn giản hơn: Cứ phân đều về các lớp, sao cho tỷ lệ HS khá, giỏi và trung bình ở mỗi lớp tương đương nhau.

Rắc rối phân công chuyên môn

Thực hiện phân ban sẽ dẫn đến tình trạng số tiết dạy từng môn thay đổi, có môn thừa giáo viên, môn lại thiếu. Phân công chuyên môn cho đều ở từng môn, đều giữa các môn và không bị tăng khoản chi dạy giờ quả là rất khó khăn cho giám hiệu. Việc phân công ai dạy phân ban, dạy mấy ban, ai không dạy phân ban và làm thế nào để giảm số bài soạn mới/tuần của mỗi giáo viên cũng không phải là việc dễ. Kinh nghiệm của các trường đã từng làm thí điểm là phải lên phương án tính số tiết của mỗi môn học trong cả năm để tính bình quân giờ dạy của giáo viên, trong đó có tính cả giờ dạy tự chọn, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp. Những giáo viên tham gia dạy phân ban được hưởng những ưu tiên riêng như có thể có số tiết bình quân thấp hơn giáo viên không dạy phân ban. Nguyên tắc của việc phân công chuyên môn là hạn chế tối đa việc mỗi giáo viên phải soạn nhiều bài/tuần. Theo hiệu trưởng một số trường thì để bảo đảm chất lượng các tiết dạy, việc phân công chuyên môn nên theo quy định: mỗi giáo viên dạy không quá 2 ban (Ban KHTN và ban CB, hoặc ban KHXHNV và ban CB). Các giáo viên bộ môn bị giảm giờ do dạy phân ban được bố trí thêm những công việc khác như chủ nhiệm, dạy giáo dục hướng nghiệp… để vẫn bảo đảm số tiết/tuần như quy định. Với các trường lần đầu tiên triển khai phân ban, các giáo viên lớn tuổi được phân công dạy các lớp chương trình cũ (lớp 11, 12), thầy cô giáo trẻ tuổi đảm nhiệm các lớp phân ban.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới ngày khai giảng năm học mới, và nỗi lo phân ban mới chỉ bắt đầu...

Hồng Hạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Phân ban và những nỗi lo

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.