(HNMCT) - Đến bây giờ, tôi vẫn không quên bài thơ “Rãng ơi” của nhà thơ Phạm Trung Tín. Bài thơ ám ảnh tôi mãi vì cái tâm cái tình, gắn bó máu thịt của một người bạn với một người bạn. Đọc lên muốn ứa nước mắt. Rãng từng là đồng đội, bạn chiến đấu sống chết có nhau của Phạm Trung Tín. Tôi không có may mắn biết Rãng, nhưng tin rằng Rãng là một phần không thể thiếu trong cuộc đời Phạm Trung Tín. Hai câu ám ảnh tôi hơn cả, vẫn là: “Bốn mươi năm nghĩa lý gì/ Nếu ngày ấy một thằng đi không về”.
Trong chùm thơ 5 bài đăng trên Tạp chí Nhà văn và tác phẩm năm 2019, vô tình tôi nhặt được những cặp lục bát thật đáng nhớ của Phạm Trung Tín.
Bài “Nỗi riêng”, anh viết: “Mịt mù mây gió đi qua/ Nghe thơm hơi thở vỡ òa thực hư/ Em đi đã bấy nhiêu thu/ Nỗi riêng vẫn phủ sương mù đầy anh”.
Trích từ bài “Thềm đông” là đôi câu thơ: “Thềm đông đã thấm lạnh rồi/ Vết thương mùa cũ bên trời rưng rưng...”.
Còn trong bài “Đò chanh”: “Đời ta phiêu bạt góc trời/ Vẫn nghe thảng thốt/ Đò ơi... nao lòng...”.
Đây là những câu thơ duy tình, đầy cảm xúc, cho thấy cái tiềm năng nội cảm trong thơ của Phạm Trung Tín. Và cứ thế, Phạm Trung Tín cứ hướng vào mình, hướng vào bản thể của mình, hướng vào những gì mình có, mà viết.
Dù chỉ là một thống kê, một tập hợp tản mạn, rời rạc... nhưng tôi có thể tạm thời rút ra: Phạm Trung Tín là một người có sở trường làm thơ lục bát.
Đến tập thơ “Đối diện chính mình”, Phạm Trung Tín vẫn trung thành với sở trường làm thơ lục bát. Và, không phải ngẫu nhiên, ông chọn bài thơ “Đối diện chính mình” đặt tên cho đứa con tinh thần mới nhất của ông: “Chính mình đối diện mình thôi/ Hẹp vòng quay, chậm gót rồi, hoàng hôn/ Cộng trừ chi nữa dại khôn...”.
Người dám đối diện với mình là một người dũng cảm, có bản lĩnh. Người “cộng trừ chi nữa dại khôn” là một người không tính toán, biết buông bỏ. Biết buông bỏ để đời ngày càng gần đạo, để nhận ra cái tất yếu và khi đã biết đến tận cùng của cái tất yếu, người ta sẽ tìm được tự do.
Tiếp cái mạch buông bỏ, không dính vào những vướng bận, Phạm Trung Tín đã tỉnh thức để nhận ra rằng: “Vuông tròn phúc phận đẩy đưa/ Đa đoan sinh kế - nhặt thưa lộc đời/ Cánh buồm bạt gió trùng khơi/ Hư danh ảo ảnh vời vời thế nhân”.
Không chỉ trong “Đối diện chính mình”, mà trong “Qua tuổi sáu lăm”, Phạm Trung Tín vẫn trong một cách nghĩ không thay đổi như thế: “Buồn thương trăng lạnh hoa tàn/ Đời thêm nợ - có lại càng trả - vay...”.
Một bài thơ lạ của Phạm Trung Tín là “Uống rượu với trăng”. Lạ từ ngay hai câu đầu: “Tay cầm ly rượu nhẹ tênh/ Giật mình đáy cốc lênh đênh phận người”. Thật ra khi uống rượu với trăng, có thể hiểu là mình uống rượu với mình, uống rượu một mình và khi chạm cốc với trăng tức là chạm cốc với cái xa vời, cái vô tận. Cho nên ly rượu mới nhẹ tênh. Nhưng ly rượu sẽ không nhẹ tênh một chút nào bởi người uống rượu chợt “giật mình đáy cốc lênh đênh phận người”.
Đọc thơ Phạm Trung Tín, tôi tin ông là người hành xử lễ nghĩa. Thế nên, chỉ có mỗi việc cắt móng tay cho mẹ mà ông cũng sở hữu được hai câu lục bát thật hay: “Trời thương con được cầm tay/ Để xoa dịu bớt đắng cay phận người”.
Nếu như ở tập thơ trước, Phạm Trung Tín coi vợ là “nỗi riêng” và “nỗi riêng” ấy “vẫn phủ sương mù đầy anh” theo năm tháng, thì trong “Thăm mộ hiền thê”, Phạm Trung Tín vẫn nhớ, thương và trân trọng vợ đến nỗi: “Thanh minh thăm mộ vợ hiền/ Đêm mưa lạnh, có làm phiền mình không?”.
Đặc biệt, Phạm Trung Tín gói tròn tâm trạng nhớ “bến cũ” đến nỗi “lòng ngơ ngác chiều” trong hai câu có độ say cháy và độ mở rất đáng kể: “Chao nghiêng ký ức thực mơ/ Gọi tên bến cũ lòng ngơ ngác chiều”.
Trong “Đối diện chính mình”, thơ lục bát của Phạm Trung Tín còn cập nhật nhiều vấn đề của đời sống. Đó là những bài thơ, những câu thơ có ích, hướng tới con người và thời cuộc. Nói cách khác: Phạm Trung Tín là nhà thơ không bao giờ xa rời con người và thời cuộc.
Lâu nay, lục bát vẫn là thể thơ khó viết. Không ít người bị xóa nhòa cá tính khi làm thơ lục bát. Riêng thơ lục bát của Phạm Trung Tín vẫn có nét riêng. Cảm giác ông đã tìm ra điểm tự do của mình trong thơ lục bát. Đọc thơ lục bát của Phạm Trung Tín phải đọc chậm, thật chậm. Trước hết để ngẫm nghĩ cùng ông. Sau nữa để cái chất lục bát của tác giả ngấm dần vào độc giả. Rồi từ đó mà cảm thông, chia sẻ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.