(HNM) - Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được thực hiện đầu tiên bởi Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam vào đầu những năm 2000. PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng Thư ký Liên hiệp hội đánh giá:
Mười năm qua, Liên hiệp hội đã tham gia tư vấn, phản biện nhiều vấn đề trọng điểm được dư luận xã hội đánh giá cao như dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, dự án đường Hồ Chí Minh, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam... Ngoài ra, Liên hiệp hội đã tổ chức để đông đảo các nhà khoa học đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như: báo cáo chính trị trình các đại hội của Đảng; sửa đổi Hiến pháp; chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường…
- Hoạt động tư vấn phản biện đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng cho các cấp có thẩm quyền và ngày càng được xã hội tin cậy. Tuy nhiên, dường như nó vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu?
- Nhận định này vừa đúng vừa không đúng. Đúng vì trong xã hội có rất nhiều vấn đề nảy sinh, từ chuyện trẻ em bị đánh đập hay đời sống nghèo khổ của bà con dân tộc thiểu số… và tất cả đều cần phải có những thông tin phù hợp đưa đến cấp quản lý. Phản biện và giám định xã hội không thể chỉ là việc của một số nhà khoa học mà cần trải rộng ra toàn xã hội để những vấn đề gì không đúng chuẩn đều có thể được phát hiện. Chúng ta chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đó.
Còn trên thực tế, trong một loạt dự án gần đây, các cơ quan đều rất tranh thủ và coi trọng ý kiến độc lập của các nhà khoa học, ít nhất là Liên hiệp hội. Các chuyên gia thường xuyên được mời đến để trình bày, đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề. Gần đây nhất, Quốc hội mời các chuyên gia của Liên hiệp hội phản biện đề án cải tổ hệ thống y tế cấp huyện.
- Được coi trọng, hẳn thuận lợi này khiến cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội bớt khó khăn thưa ông?
- Cũng không hẳn. Hiện vẫn còn không ít cơ quan doanh nghiệp nhà nước mắc "bệnh" thành tích khiến cho hoạt động tư vấn, phản biện dễ bị coi là hoạt động soi mói vào nội tình cơ quan nên họ không mặn mà với hoạt động này.
Thêm nữa, do tính chất phi lợi nhuận của hoạt động này nên cũng khó mời được các chuyên gia, mặc dù cũng có nhiều người nhiệt tình nhưng tuổi tác quá cao hoặc còn quá trẻ nên không đạt được chuẩn chung. Bên cạnh đó là vấn đề thông tin. Việc tiếp cận thông tin hiện đang rất bị hạn chế, chất lượng thông tin cũng không cao và trong nhiều trường hợp bị điều chỉnh khá nhiều khiến cho việc thu thập thông tin và đánh giá chính xác rất khó khăn.
- Trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện chắc chắn không tránh khỏi việc nói ra những điều "khó nghe" đối với một số người. Vậy có khi nào các nhà khoa học thấy ngại?
- Tôi nghĩ là có. Có điều, họ xác định đây là trách nhiệm công dân của người làm khoa học nên thấy vấn đề mới là họ hào hứng tham gia. Trong tư vấn, phản biện, để tránh những tình huống như chị vừa đề cập, tôi cho rằng có một vấn đề rất quan trọng là cách truyền đạt, đưa ra thông tin. Nhiều khi, một thông tin đưa ra nhưng vì cách diễn đạt khác nhau mà dẫn đến thái độ tiếp nhận khác nhau. Trong phản biện nên giữ thái độ tích cực. Thái độ ấy sẽ khắc phục được sự nghi ngờ, e dè của người được mình phản biện. Không nên quan niệm phản biện là phản bác tất cả. Phản biện đơn giản chỉ là đưa ra cách tiếp cận khác nhau để vấn đề được nhìn nhận một cách sâu sắc hơn mà thôi.
- Có phải vì thế mà hiện nay nhiều phản biện của các nhà khoa học bị lờ đi? Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Trong thời đại ngày nay, thông tin rất nhiều và những người có trách nhiệm ra chính sách nhận được thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy, để hoạt động tư vấn, phản biện đạt được hiệu quả cao, bên cạnh việc đóng góp ý kiến, các nhà khoa học cũng phải tiến hành hoạt động vận động chính sách. Vận động chính sách nói một cách đơn giản là làm sao để đưa được các kiến thức, trí tuệ từ những nhà khoa học đến được những người có thẩm quyền để họ có đủ cơ sở hơn khi ra quyết định. Tôi nghĩ rằng, ở đây có thể có chuyện những ý kiến của các nhà khoa học đưa ra chưa được chấp nhận nhưng cũng có khả năng là có thể ý kiến đó không đến được nơi cần thiết hoặc đến nơi cần thiết nhưng lại không được lý giải đầy đủ. Vấn đề này cần được nhìn lại từ nhiều chiều cạnh khác nhau nhưng cá nhân tôi cho rằng vận động chính sách là hoạt động cần thiết phải tiến hành trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đang biến đổi nhanh như hiện nay.
- Xin cảm ơn tiến sỹ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.