Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải thay đổi tư duy

Chí Kiên| 22/08/2011 07:16

(HNM) - Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nhưng trình độ khoa học công nghệ (KHCN) trong nông nghiệp vẫn còn một khoảng cách khá xa so với khu vực và thế giới, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất rau, hoa, quả, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản...


Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nhiều đề tài, dự án KHCN sau khi đã được nghiệm thu không thể đưa vào sản xuất vì sản phẩm của đề tài, dự án không xuất phát từ yêu cầu thực tế, chất lượng nghiên cứu thấp, khâu đánh giá, nghiệm thu nặng tính hình thức, sản xuất thử nghiệm chưa được chú trọng...

Vừa thiếu, vừa yếu


Kiểm tra tình hình sinh trưởng của giống xoài Đài Loan trồng thử nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật rau, hoa, quả Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN


Bộ NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2006-2010, các đơn vị KHCN nông nghiệp đã thực hiện 6.935 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học và sản xuất thử nghiệm các cấp. Một số giống lúa thuần ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt được chọn tạo và đưa vào sản xuất thay thế dần các giống lúa thuần Khang dân, Q5 như BM 9820, BM 9855, AC5, PC6… Công nghệ sản xuất giống một số đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, tôm chân trắng, cua biển, cá tra, cá rô phi, ốc hương đã được từng bước hoàn thiện… Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, KHCN nông nghiệp của Việt Nam vẫn trong tình trạng "vừa thiếu vừa yếu", nhiều đề tài khoa học sau nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất; năng lực các tổ chức KHCN còn nhiều vấn đề do thiếu cán bộ đầu ngành, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nghiên cứu và tạo ra đến 273 giống cây trồng mới nhưng chỉ có 97 giống được công nhận chính thức. Giải thích tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, năng lực của các tổ chức KHCN thấp kém là do thiếu cán bộ và việc tuyển cán bộ giỏi rất khó do cơ chế lương bổng chưa đủ sức hấp dẫn, thậm chí một số cán bộ giỏi đã chuyển ra làm ngoài. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm KHCN nông nghiệp do người nông dân trực tiếp sử dụng và nhân ra hoặc cơ quan quản lý nhà nước sử dụng nên không áp dụng được quyền sở hữu trí tuệ. Các thủ tục tài chính đối với đề tài dự án KHCN theo quy định hiện hành vẫn còn quá rườm rà, hạn chế tính chủ động của cán bộ khoa học.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, so với các nước, Việt Nam đầu tư cho nông nghiệp vào loại thấp, cơ cấu đầu tư bất hợp lý. "Chúng ta rất cần đầu tư cho KHCN, khuyến nông, đào tạo, nhưng đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu rơi vào các công trình xây dựng. Vấn đề không phải là tăng đầu tư mà là ưu tiên đầu tư và đầu tư có hiệu quả"- Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhấn mạnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay Nhà nước không có đủ kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, các nước trên thế giới cũng vậy. Mới đầu là giai đoạn lấy đi từ nông nghiệp, sau đó lấy ít dần rồi tăng dần đầu tư cho nông nghiệp đến điểm cân bằng và tiếp đến giai đoạn thực sự tăng đầu tư vào nông nghiệp. Thời điểm này đạt được khi nông nghiệp chiếm khoảng 15% GDP (hiện nay là 20% và 18% vào năm 2015).

Cơ chế và liên kết

Trong nhiệm vụ 5 năm tới, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng KHCN nông nghiệp lên ngang tầm khu vực và thế giới để tạo ra các sản phẩm, công nghệ hiện đại có hàm lượng khoa học cao. Nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN, khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ của tổ chức KHCN, đổi mới quản lý hoạt động KHCN, quản lý tài chính... Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, nếu không thay đổi tư duy thì KHCN nông nghiệp khó có thể đạt được những mục tiêu tốt đẹp đặt ra. Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ cho rằng, một trong những vấn đề cần đổi mới ngay là cơ chế tuyển dụng cán bộ trong nông nghiệp để trước mắt giữ chân được cán bộ có năng lực, sau là thu hút được những người giỏi vào ngành. Ngay trong nội dung thi tuyển dụng cũng có nhiều điều cần thay đổi, vì trên thực tế nhiều ứng viên khi bắt tay vào việc thì làm rất hiệu quả nhưng khi thi viết thì lại không được điểm cao.

Ở một khía cạnh khác, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, các cơ chế phát triển KHCN cần hướng đến đối tượng là người nông dân và doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ chú trọng rà soát và điều chỉnh cơ chế trong các cơ quan nhà nước. Sự liên kết giữa "hai nhà" (nhà nông và nhà doanh nghiệp) mang yếu tố quyết định. "Mối quan hệ này được nhuần nhuyễn thì bản thân Nhà nước cũng sẽ có những cơ chế mang lại hiệu quả, từ đó các nhà khoa học có cơ hội phát huy các đề tài, công trình khoa học làm tăng giá trị nông nghiệp ngay từ khâu sản xuất" - Bộ trưởng Cao Đức Phát phân tích.

Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ KHCN nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về nông nghiệp thì KHCN đóng vai trò chủ đạo, quyết định đến tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT cần làm rõ cơ chế giao và chọn đề tài nghiên cứu khoa học, tránh chồng chéo, bất cập từ ngay cấp quản lý cho đến các đơn vị tiêu thụ sản phẩm đầu ra của khoa học nông nghiệp; sớm lập kế hoạch xây dựng Đề án phát triển KHCN nông nghiệp Việt Nam cho những năm tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải thay đổi tư duy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.