Hơn 520 nghìn tỷ đồng để phát triển thương mại Hà Nội (đến năm 2030) * Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ là trung tâm thương mại lớn của khu vực Đông Nam Á * Không xây mới các chợ ở khu vực nội đô
Thời gian tới, Hà Nội sẽ có nhiều trung tâm thương mại như Vincom. Ảnh: Phương An
Theo Sở Công thương, trong quy hoạch tổng thể phát triển thương mại trong các giai đoạn sắp tới, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân 10-12%/năm giai đoạn 2011-2015; đạt 14-15%/năm giai đoạn 2016-2020. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ giai đoạn 2011-2015 đạt 9-10%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 8-10%/năm. Với mục tiêu phát triển thương mại nội địa, tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành thương mại bình quân/năm giai đoạn 2011-2020 là 13%; tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành trong GDP giai đoạn 2011-2020 khoảng 17-19%. Theo quy hoạch, TP sẽ có 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng 3, trong đó trong khu vực đô thị trung tâm bố trí 19 đại siêu thị, 82 siêu thị hạng 2 và 530 siêu thị hạng 3. Loại hình TTTM, TTTM quốc tế sẽ được đặt tại khu vực Tây hồ Tây với quy mô 10-15ha, TTTM vùng sẽ được đặt tại khu vực đô thị Long Biên - Gia Lâm. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng và xây mới các trung tâm mua sắm và trung tâm bán buôn. Đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 51 trung tâm mua sắm.
Bên cạnh các siêu thị, TTTM, hệ thống chợ bán lẻ cũng sẽ được quy hoạch lại. Tại khu vực thành thị, không xây mới các chợ ở khu vực nội đô; hạn chế xây mới chợ ở khu vực Vành đai 2 đến sông Nhuệ và khu vực phát triển mới. Tại nông thôn, bảo đảm các xã đều có chợ dân sinh hạng 3, đồng thời cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ thị trấn, thị tứ thành các chợ lớn hơn với quy mô hạng 1, hạng 2… TP cũng sẽ hình thành và phát triển 4 chợ đầu mối bán buôn nông sản - thực phẩm tổng hợp cấp vùng với quy mô 50-100ha đất, thu hút các nguồn nông sản ở các vùng nông nghiệp lúa, rau, quả sản lượng cao của Hà Nội và các tỉnh khác. Các chợ đầu mối này có vị trí và điều kiện giao thông thuận lợi. Phía Bắc ở Mê Linh, phía Nam ở Thường Tín - Phú Xuyên, phía Tây ở Hòa Lạc - Thạch Thất và phía Đông ở Gia Lâm. Dự báo, nhu cầu vốn đầu tư phát triển của cả ngành đến năm 2030 là hơn 520 nghìn tỷ đồng.
Góp ý với đề án, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, nên dành quỹ đất phù hợp để xây dựng các trung tâm thương mại quy mô lớn, vị trí có thể cách trung tâm TP khoảng 20-30km. Trong quy hoạch cũng cần làm rõ quỹ đất cho phát triển thương mại trong các giai đoạn sắp tới là bao nhiêu để Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Để không tồn tại tình trạng phát triển manh mún, TP sớm rà soát lại các dự án hỗn hợp nhà ở, văn phòng kết hợp TTTM. Từ đó quyết định cho phép TTTM tại dự án nào được tồn tại, phải xóa bỏ ngay hoặc được phép tồn tại trong thời hạn cụ thể. Bên cạnh đó, cũng cần đề ra cơ chế, chính sách phù hợp để "gọi" đầu tư từ các nguồn lực kinh tế nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng, quy hoạch phát triển thương mại cần được bám sát với quy hoạch chung và các quy hoạch chuyên ngành nhằm bố trí cụ thể vị trí các dự án, quỹ đất và quy hoạch sử dụng đất. Tại khu vực nông thôn, thời gian qua có nhiều chợ được đầu tư xây dựng mới nhưng khai thác không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, chợ tự phát lại phát triển mạnh. Do đó, cần xác định vị trí của các chợ nông thôn để đầu tư một cách phù hợp. Ngoài ra, hệ thống thương mại tại khu vực nông thôn cũng cần gắn kết với du lịch làng nghề nhằm phát huy hiệu quả của các làng nghề Hà Nội hiện nay.
Về quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội trở thành một TTTM lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Sở Công thương và các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện bản đề án. Đề án cần làm rõ sự cần thiết phải lập quy hoạch tổng thể; mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu nhằm tăng tính khoa học của đề án. Đề án cũng cần phân tích rõ thời cơ, thách thức, điểm mạnh và yếu của thương mại Thủ đô. Các giải pháp trong đề án quy hoạch phải huy động được tổng thể các nguồn lực tài chính, đất đai, con người, công nghệ và năng lực quản lý. Ngoài ra, phải có phương án liên doanh liên kết với các tỉnh, TP trong nước, nước ngoài để khai thác và phát huy hết các lợi thế của từng địa phương...
Cũng trong ngày 26-5, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nghe báo cáo về Quy hoạch phát triển công nghiệp Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Sở Công thương, Hà Nội đặt mục tiêu có nền công nghiệp hiện đại trước năm 2020; phát triển công nghiệp dựa trên nền tri thức, trình độ khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có trình độ cao. Đến năm 2030 phát triển công nghiệp gắn với khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới… Trong giai đoạn tới, các nhóm sản phẩm ưu tiên phát triển ở Thủ đô gồm cơ khí, chế tạo; điện tử, cơ điện tử; công nghệ thông tin và phần mềm; hóa dược, hóa mỹ phẩm; chế biến cao cấp chất lượng cao; sản phẩm, vật liệu mới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.