(HNM) - Đối với phần lớn VĐV Việt Nam được góp mặt ở đấu trường Olympic là sự kiện lớn trong đời. Tuy thế, làm sao thể hiện hết khả năng ở đấu trường này là điều không dễ, bởi các VĐV Việt Nam có quá ít kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, rất dễ bị ngợp ở sân chơi lớn và điều đó khiến thành tích thi đấu thiếu tính ổn định.
Trong số 18 VĐV Việt Nam dự Olympic London 2012, chỉ có tay vợt Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) và VĐV Đỗ Thị Ngân Thương (thể dục dụng cụ) là từng có kinh nghiệm thi đấu ở Olympic 2008. Thế nhưng, đối với cả hai, những gì mà họ đã trình diễn ở giải đấu ấy là thất bại, là nỗi đau khó phai mờ trong sự nghiệp. Ở Olympic 4 năm trước, Tiến Minh tham dự với sự hồ hởi bao nhiêu thì khi trở về lại thất vọng bấy nhiêu bởi anh để thua tay vợt kém xa mình là Hsieh Yu-Hsing (Đài Loan) ở ngay vòng đầu. Đỗ Thị Ngân Thương còn đau hơn bởi là VĐV thể dục dụng cụ đầu tiên bị phát hiện sử dụng doping dù trong thực tế, cô gái này dùng thuốc vì mục đích giảm béo.
VĐV Việt Nam ra sân chơi tầm Olympic thường bị áp lực tâm lý. Như VĐV bơi lội Nguyễn Hữu Việt "choáng" đến mức... rơi tõm xuống bể sau hiệu lệnh xuất phát của trọng tài, còn nữ lực sĩ cử tạ Nguyễn Thị Thiết run đến phát khóc khi bước lên đài chuẩn bị nâng tạ.
Khi VĐV bị trạng thái tâm lý, lỗi một phần nằm ở khâu chuẩn bị. Trong thực tế, hầu hết VĐV Việt Nam gặp khó khăn khi thi đấu, tập huấn ở môi trường lạ. Chuyến tập huấn tại Mỹ của Hoàng Quý Phước bị cho là thất bại, phần lớn là do khả năng thích nghi kém với môi trường tập luyện hiện đại ở các nước phát triển. Một VĐV giàu tiềm năng khác là Thạch Kim Tuấn đã thất bại trong việc giành vé đến London chỉ vì quá buồn ngủ trong giờ thi đấu tại Giải vô địch Cử tạ thế giới bắt đầu lúc 2h sáng (theo giờ Việt Nam). Ngay trong chuyến tập huấn tại thành phố Bradford (Anh), các VĐV thể dục dụng cụ và điền kinh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với thời tiết và chế độ ăn uống, cách thức di chuyển. Chẳng hạn, VĐV nhảy cao Dương Thị Việt Anh quen với thời tiết nắng nóng ở Việt Nam, đã bị chứng mất ngủ khi thời tiết tại Anh lạnh và mưa nhiều. Với các VĐV thể dục dụng cụ, việc thích nghi với đồ ăn tại Anh là chuyện không dễ dàng.
Thực tế cho thấy công tác chuẩn bị đóng vai trò cực kỳ then chốt đến kết quả của VĐV. Chẳng hạn, đội bắn súng trước đây thường xuyên rơi vào cảnh tập bắn với bia giấy, khi thi đấu lại phải bắn bia điện tử nên kết quả thi đấu luôn kém thành tích khi tập luyện. Để chuẩn bị cho Olympic 2012, đội bắn súng đã được tạo điều kiện tham dự nhiều giải đấu quốc tế lớn ở Anh, Đức, Mỹ, Qatar... Ngoài ra, trước thềm Olympic, hai VĐV Hoàng Xuân Vinh và Lê Thị Hoàng Ngọc cũng có chuyến tập huấn bổ ích tại Hàn Quốc để duy trì cảm giác khi bắn với bia điện tử.
Đội taekwondo đã có chuyến tập huấn dài ngày tại Hàn Quốc. Trước Olympic khoảng hơn một tháng, thầy trò taekwondo còn có những chuyến thi đấu, tập huấn liên tiếp tại Pháp, Italia để làm quen khí hậu, múi giờ trước khi đến Anh. Riêng mũi nhọn tranh chấp huy chương Trần Lê Quốc Toàn có đến hơn 2 tháng tập huấn tại Châu Âu nhằm có được cảm giác tốt nhất khi đến Olympic.
Trưởng đoàn Lâm Quang Thành yêu cầu các VĐV xuất phát từ ngày 20-7 để có tối thiểu một tuần làm quen với điều kiện tập luyện và thời tiết tại Anh trước khi bước vào tranh tài. Đội judo được yêu cầu kết thúc sớm chuyến tập huấn tại Trung Quốc để có thêm thời gian chuẩn bị.
Hy vọng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó sẽ giúp thành tích của đoàn TTVN lần này khả quan hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.