(HNM) - Tại kỳ họp, HĐND TP sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2012-2015. Bên lề kỳ họp, Trưởng ban Pháp chế ngân sách HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
- Đã có nhiều giải pháp đưa ra nhưng ùn tắc giao thông vẫn là bài toán chưa có lời giải hữu hiệu. Để giảm ùn tắc, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân được cho là một giải pháp cần thiết. Tại sao trong Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2012-2015 không đề cập đến vấn đề này?
+ Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân hiện đang được Bộ GTVT và TP kết hợp xây dựng đề án trình Chính phủ. Để thực hiện được cần dựa trên quy hoạch tổng thể và có lộ trình. Trước tiên cần có lộ trình cho giao thông công cộng rồi mới tổ chức hạn chế phương tiện cá nhân, kể cả ô tô lẫn xe máy. Ban pháp chế thẩm tra quy hoạch giao thông cũng đã đề nghị Bộ GTVT khi trình Chính phủ phải có lộ trình và công bố cho các đối tượng liên quan biết đến năm nào, ở đâu sẽ hạn chế để từ nhà sản xuất phương tiện cho đến người mua phương tiện có thời gian chuẩn bị. Không thể hôm nay thông báo là sang năm cấm mà cấm ngay được.
- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Hà Nội vẫn ngại đưa ra các giải pháp mạnh để chống ùn tắc giao thông?
+ Không phải như vậy. Hà Nội có những cái khó riêng. Các cơ quan TƯ nằm trên địa bàn quá nhiều. Nếu tính tổng số lượng ô tô vào nội thành hiện nay, nhất là ở các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm thì tỷ lệ xe công vào đây lớn hơn nhiều so với xe cá nhân. Do đó, nếu Hà Nội làm không cẩn thận thì sẽ gây khó cho các cơ quan TƯ trên địa bàn. Vì vậy, vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân vào khu vực nội đô trong giờ cao điểm phải có đề án tổng thể, không thể vội vàng được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.