Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có lộ trình

Đình Hiệp| 05/09/2014 07:08

(HNM) - Lần đầu tiên loại bể ngầm chứa xăng dầu 2 lớp SF (bể thép 2 lớp được gia cố bởi nhựa cường lực chống rò rỉ) theo tiêu chuẩn an toàn cũng như công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã được chuyển giao cho Việt Nam. Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex),


Nhiều ưu điểm vượt trội

Ông Masuda Chikahiro, Phó Trưởng đại diện văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhu cầu cải tạo, xây mới các trạm bơm xăng dầu tại Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, các bể chứa xăng dầu đặt ngầm dưới lòng đất tại các trạm này là loại vỏ thép một lớp bọc nhựa đường, nguy cơ rò rỉ, gây hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường khá cao. Vì thế, JICA quyết định hỗ trợ không hoàn lại về kỹ thuật để Công ty cổ phần Công nghiệp Tamada Nhật Bản (Tamada) (hiện chiếm tới 80% thị trường bể ngầm chứa xăng dầu 2 lớp SF tại Nhật Bản) triển khai thí điểm dự án này tại Việt Nam thông qua đối tác là Tập đoàn Petrolimex.

Bể chứa xăng dầu 2 lớp công nghệ SF vừa được đưa ra thử nghiệm đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: Thúy Hà



Dự án chuyển giao công nghệ thử nghiệm bể chứa 2 lớp SF đã được Tập đoàn Petrolimex, JICA, Công ty Tamada ký kết triển khai từ tháng 7-2013. Hai chiếc bể ngầm 2 lớp SF đầu tiên vừa được lắp đặt tại cây xăng số 90 là loại được Công ty cổ phần Xây lắp 1 Petrolimex sản xuất tại Việt Nam sau khi nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật từ Công ty Tamada. Theo ông Masuda Chikahiro, ưu điểm nổi bật của loại bể ngầm 2 lớp SF là phòng tránh và ngăn ngừa khả năng rò rỉ xăng dầu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho môi trường cũng như phòng chống cháy nổ. So với loại bể thép một lớp bọc nhựa đường mà Việt Nam đang sử dụng, loại bể 2 lớp SF công nghệ Nhật Bản dễ bảo dưỡng, có tuổi thọ lâu hơn, chi phí lắp đặt cũng như kiểm tra sửa chữa định kỳ ít tốn kém…

Giám đốc Công ty TNHH Tamada Việt Nam Tamada Yoshiaki cho biết, cách đây 20 năm Nhật Bản cũng sử dụng loại bể một lớp bọc nhựa đường. Tuy nhiên, sau nhiều sự cố liên quan đến việc rò rỉ xăng dầu, gây ảnh hưởng xấu cho môi trường, nước này đã có quy định mới và bắt đầu sử dụng bể 2 lớp SF. Ông Tamada Yoshiaki nói: "Bể chứa ngầm là loại sản phẩm mà sau khi lắp đặt chúng ta sẽ không thể nhìn thấy được. Do mắt thường không nhìn thấy được nên khi phát hiện ra bể ngầm gặp sự cố rò rỉ, gây ô nhiễm đối với nguồn nước, môi trường thì sự việc đã quá muộn, không trở tay kịp… Việc sử dụng bể chứa 2 lớp SF giúp khắc phục được tình trạng này".

Rào cản về giá thành

Dự kiến, sau khi thử nghiệm thành công tại Hà Nội, loại bể ngầm chứa xăng dầu 2 lớp SF sẽ được triển khai tại TP Hồ Chí Minh. Đánh giá về tính khả thi của dự án, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex khẳng định: "Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng công nghệ tiên tiến này của Nhật Bản, ưu điểm lớn nhất của công nghệ là có thể kiểm soát được hiện tượng xăng dầu rò rỉ và do vậy, không gây ô nhiễm môi trường; đồng thời giảm thiểu khả năng cháy nổ do xăng dầu. Chúng tôi đánh giá rất cao công nghệ bể ngầm 2 lớp SF của Nhật Bản".

Tuy nhiên, để triển khai dự án nói trên một cách rộng rãi, ông Vương Thái Dũng tỏ ra băn khoăn: "Hiện nay Tập đoàn Petrolimex có khoảng 2 nghìn cây xăng trên phạm vi toàn quốc. Để mở rộng dự án này, chúng tôi đang đối diện một số khó khăn. Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta còn phải chờ các quy định, tiêu chuẩn cũng như sự cho phép sử dụng bể 2 lớp SF của các cơ quan quản lý. Về mặt kinh phí đầu tư, mặc dù bể ngầm 2 lớp SF có nhiều tính năng vượt trội nhưng rõ ràng so với bể chứa một lớp mà chúng ta đang sử dụng, nó có giá thành cao hơn. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải có lộ trình khi triển khai dự án này. Về phía Tập đoàn Petrolimex, sau khi việc thử nghiệm hoàn tất, chúng tôi sẽ có đánh giá tổng thể mọi mặt, từ chi phí sản xuất đến công nghệ… và sau đó mới có lộ trình thực hiện cụ thể được". Theo Tập đoàn Petrolimex, trước mắt, trong khi chờ đợi các quy định của các cơ quan chức năng, tập đoàn có thể thay bể chứa 2 lớp SF tại những trạm xăng cần được sửa chữa hoặc xây mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải có lộ trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.