Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải có lộ trình

Bài, ảnh: Kiều Linh| 30/08/2010 07:49

(HNM) - Theo phản ánh của các hộ dân tại chợ Xốm, phường Phú Lãm, quận Hà Đông, trong khi họ đang sinh sống, kinh doanh ổn định thì chính quyền địa phương yêu cầu ra khỏi khu vực chợ, khiến người dân hết sức bức xúc. Vậy thực hư ra sao?

Nhiều căn nhà kiên cố được xây dựng trong chợ Xốm.


Qua tìm hiểu được biết, tiền thân của chợ Xốm là Xưởng cơ khí, thuộc Hợp tác xã Nông - Công - Thương - Tín Phú Lãm (HTX Phú Lãm), rộng hơn 3.000m2 và ở ngay mặt đường 21B, rất thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán. Khi chưa có chợ, nhiều hộ dân đã chiếm dụng lòng đường, vỉa hè đường 21B để bán hàng, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Trước tình hình đó, vào những năm 1984-1985, chính quyền địa phương và HTX Phú Lãm đã cho xây chợ Xốm để vận động, thuyết phục và bắt buộc các hộ phải vào kinh doanh, buôn bán trong chợ. Ban đầu chỉ có một vài hộ, dần dần số hộ có nhu cầu kinh doanh trong chợ tăng cao. Do nguồn tài chính hạn hẹp, HTX Phú Lãm và chính quyền địa phương đã thống nhất xây dựng chợ bằng phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các hộ kinh doanh, buôn bán. Vào những năm 1990, nhiều gia đình đã bán cả đất, nhà ở trong làng để có đủ 18 triệu đồng đóng góp xây dựng chợ Xốm.

Sau đó, các hộ dân đã được HTX Phú Lãm ký hợp đồng kinh tế không xác định thời hạn và có hiệu lực kể từ ngày 1-11-1993. Hiện tại, có hơn 100 hộ đang kinh doanh, buôn bán tại chợ Xốm; trong đó có 67 hộ vừa kinh doanh, vừa làm nhà ở và khoảng 10 hộ gia đình đã xây dựng nhà kiên cố 2-3 tầng. Kể từ đó đến nay, các hộ đã kinh doanh, sinh sống ổn định tại chợ, luôn chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương và chưa để xảy ra mất an ninh, trật tự, cháy nổ. Thế nhưng, ngày 17-6-2010, Chủ tịch UBND phường Phú Lãm Nguyễn Đức Hiếu đã ký Thông báo số 43 về việc tổ chức, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh tại chợ Xốm và sau đúng 2 tháng (17-8-2010), tiếp tục ban hành Thông báo số 58 về việc xử lý vi phạm, tổ chức sắp xếp, quản lý các hoạt động kinh doanh trong khu vực chợ Xốm.

Theo đó, UBND phường Phú Lãm yêu cầu các hộ không được ăn, ở, sinh hoạt trong khu vực chợ. Đáng lẽ, để thực hiện việc sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, di dời các hộ làm ăn, sinh sống trong chợ hàng chục năm, chính quyền địa phương phải tổ chức họp dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó có hướng giải quyết thuận tình, hợp lý. Không làm như vậy, việc ấn định thời hạn di chuyển, xử lý các vi phạm trong thời gian quá gấp gáp đã khiến người dân rất bất bình, lo lắng.

Ông Vũ Công Dào, là thương binh, hiện đang kinh doanh, buôn bán và sinh sống tại chợ Xốm bức xúc cho biết: Khoảng 21h ngày 17-8-2010, một số nhân viên công an và UBND phường Phú Lãm đến các hộ dân đang sinh sống trong chợ kiểm tra tạm vắng, tạm trú, song thực chất là để lập biên bản yêu cầu các hộ kinh doanh ra khỏi khu vực chợ. Vì biên bản đã được lập sẵn, không rõ ràng, minh bạch, lại không đọc, không cho người dân biết nội dung, nên dân đã phản ứng quyết liệt và kiên quyết không ký biên bản. Không dừng lại ở đó, khoảng 23h30, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Phú Lãm cùng với 50-60 người thuộc lực lượng an ninh, cán bộ phường đến đập cửa từng nhà, yêu cầu mở cửa để kiểm tra giấy tờ và quát tháo, dọa nạt dân giữa đêm khuya, làm cho trẻ nhỏ kêu khóc, còn người dân thì bị hoảng loạn tinh thần...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Công Truy, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lãm thừa nhận có việc lãnh đạo địa phương cùng lực lượng an ninh đi kiểm tra hành chính các hộ dân đang sinh sống tại khu vực chợ Xốm. Ông Nguyễn Công Truy cũng thừa nhận rằng, lộ trình tổ chức, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh tại chợ Xốm là chưa hợp lý, ngược quy trình và khi ban hành Thông báo số 43, 48, 58, UBND phường chỉ giao cho Ban Quản lý chợ chuyển đến các hộ dân, rồi thông báo trên Đài truyền thanh phường, chứ chưa tổ chức họp bàn với người dân. Trong thời gian tới, phường sẽ thống kê, sàng lọc các hộ đang sinh sống trong chợ xem hộ nào đã có nhà, hộ nào có nhà nhưng cố tình ở lại trong chợ và những hộ thật sự khó khăn về nhà ở để có tính toán đền bù, hỗ trợ phù hợp.

Thiết nghĩ, việc sắp xếp lại hoạt động, kinh doanh của chợ Xốm và di dời các hộ đang sinh sống, ăn, ở tại khu vực chợ Xốm ra bên ngoài, tránh hỏa hoạn, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân là việc cần làm sớm. Tuy nhiên, đây là vấn đề do lịch sử để lại, đề nghị UBND quận Hà Đông chỉ đạo chính quyền phường Phú Lãm thực hiện theo lộ trình, có kế hoạch, phương án rõ ràng, cụ thể và hỗ trợ, đền bù thỏa đáng cho những gia đình đã đóng góp xây dựng chợ trước đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải có lộ trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.