(HNMCT) - Trong quá trình hội nhập và phát triển, góp phần mở cánh cửa để độc giả tiếp cận thế giới văn học rộng lớn không thể không nhắc đến những dịch giả văn học. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự - Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn Hà Nội, để có thêm một góc nhìn quan trọng quanh câu chuyện văn hóa dịch thuật.
- Có người ví von việc chuyển ngữ tác phẩm văn học chẳng khác nào “vén mây để với tới trời xanh”. Là một dịch giả chuyên nghiệp, đã có nhiều sách dịch uy tín, đạt giải thưởng cao, ông nghĩ sao về điều này?
- Có thể nói một cách ví von hoặc một cách hình tượng như thế về việc chuyển ngữ văn học. Tuy nhiên để đi sâu vào chuyện bếp núc của dịch văn học, trước hết phải định nghĩa dịch văn học là gì. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhưng riêng tôi định nghĩa thế này: Dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác. Tôi vẫn thường nhấn mạnh, một bản dịch thành công phải là một bản dịch đúng và hay. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc của tác giả). Còn "hay" chính là nói đến bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hóa nhuần nhuyễn, phải tìm cho được những từ, những câu, những cụm từ, cách hành văn "đắt" nhất, đúng nhất cho bản dịch tiếng Việt, tạo cho người đọc cảm giác đây là bản gốc tiếng Việt chứ không phải là bản dịch từ ngôn ngữ nước ngoài. Muốn “vén mây” thành công thì dịch giả phải làm được những việc như vậy.
Xét cho cùng, dịch văn học chẳng qua là sự giao lưu giữa hai nền văn hóa, là “vén mây mù” hay dẹp bỏ hàng rào ngôn ngữ để người đọc đến được, tiếp cận được với các nền văn hóa khác. Đây chính là sứ mệnh cao cả của dịch giả.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn cảm nhận của mình về những bước chuyển của văn học dịch Việt Nam trong những năm qua?
- Trong những năm qua, nhất là trong khoảng 20 năm đầu của thế kỷ này, văn học dịch Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Điều này rất dễ thấy khi bạn đến bất kỳ nhà sách nào trong Nam, ngoài Bắc. Ở đó sách dịch, nhất là sách văn học dịch chiếm một thị phần rất lớn. Tôi dám chắc là phải tới trên 50%. Nếu như trước kia sách văn học dịch ở nước ta chủ yếu có xuất xứ từ Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, thì bây giờ sách dịch bắt nguồn từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, đặc biệt là sách dịch hôm nay có tính cập nhật rất cao.
Nhiều tác phẩm hay, được giải thưởng lớn, chỉ sau một thời gian ngắn đã xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam. Xin đơn cử một ví dụ: Mới rồi, nữ nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk và nhà văn Áo Peter Handke đoạt giải Nobel văn học 2018 và 2019 thì ngay sau đó tác phẩm của hai nhà văn này đã xuất hiện tại Việt Nam. Đó là tác phẩm Người đàn bà xấu nhất hành tinh (Olga Tokarczuk - Lê Bá Thự dịch) và Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình (Peter Handke - Ngụy Hữu Tâm dịch).
Tất nhiên, sách dịch hiện vẫn còn nhiều khiếm khuyết, thậm chí sai sót nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi các dịch giả phải thật sự nghiêm khắc với bản thân, phải công phu trong dịch thuật, hạn chế tối đa thiếu sót.
- Như vậy, rõ ràng bên cạnh những chuyển động tích cực thì cũng còn nhiều vấn đề của văn học dịch khiến ông băn khoăn, trăn trở?
- Những chuyển động của văn học dịch khiến tôi đã có phần lạc quan hơn, nhưng vẫn còn trăn trở và lo ngại, vì nhiều khi chúng ta vẫn “lực bất tòng tâm”, tham vọng thì nhiều nhưng khả năng có hạn.
Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng dịch, Hội Nhà văn Việt Nam, tôi mừng khi thấy đội ngũ những người dịch văn học ở Việt Nam ngày càng đông, càng trẻ trung, bao gồm nhiều thứ tiếng, chứ không bó hẹp như trước kia. Đó là nền tảng, là tiền đề, là bàn đạp cho việc hội nhập và phát triển nền dịch thuật nước nhà. Chỉ có điều, họ lại tản mát ở nhiều nơi, mạnh ai nấy làm, không được tập hợp, không được xây dựng thành một “đội quân” có tổ chức, có bài bản để phát huy tối đa sức mạnh của mình.
Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay chỉ tập hợp được một số không nhiều dịch giả văn học, đa phần họ đã cao tuổi. Việc đào tạo dịch giả văn học một cách bài bản cũng đang là một vấn đề bỏ ngỏ, chúng ta vẫn đang tự thân vận động là chính, vẫn đang “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Theo tôi, đây là một công việc vĩ mô, quan trọng, tạo nền tảng văn hóa lâu dài trong dịch thuật văn học, cần được bàn bạc, có kế hoạch đầu tư và thực hiện tốt.
- Trung tâm dịch văn học Hội Nhà văn Việt Nam đã trải qua 6 năm hoạt động. Đó cũng là một minh chứng cho nỗ lực nâng cao tính chuyên nghiệp của dịch thuật văn học, thưa ông?
- Việc Trung tâm dịch văn học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được thành lập năm 2014 là một mốc son, một sự kiện quan trọng của văn học dịch, của nền dịch thuật Việt Nam. Một số hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài được tổ chức trong những năm vừa qua, vài chục tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra một số ngôn ngữ khác và những bản hợp đồng dịch thuật đã được ký kết với các nhà xuất bản, các đối tác nước ngoài, cho thấy Trung tâm dịch văn học đã làm được một số việc theo chức năng của mình. Tuy nhiên, thực tế chưa được như kỳ vọng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Giám đốc Trung tâm dịch văn học từng đau đáu: “Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Trung tâm dịch văn học, nhưng chúng tôi mới chỉ làm được một vài việc nhỏ. Muốn hoạt động thì cần phải có tài chính, nhưng tiền lấy ở đâu? Nếu mỗi năm chúng ta dịch được mươi cuốn sách hay của văn học Việt Nam, thì cũng phải mất vài chục năm mới hết...”. Nghe những lời chia sẻ như vậy tôi thấy lòng mình vừa thương, vừa lo cho Trung tâm dịch văn học.
- Văn hóa dịch thuật luôn là yêu cầu tối quan trọng trong hoạt động chuyển ngữ nói chung và dịch văn học nói riêng. Ông có lời khuyên nào cho các dịch giả văn học trẻ hiện nay?
- Để bắt nhịp được với dòng chảy của văn học thế giới và mang đến cho bạn đọc những món ăn tinh thần thú vị, việc lựa chọn sách dịch là cả một vấn đề. Đối với tôi, cuốn sách tôi chọn dịch phải là cuốn sách hay, tôi thích và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích. “Hay” ở đây là hay về nội dung, hay về hình thức, hay về văn phong, giá trị văn học nghệ thuật cao, đáp ứng thuần phong mỹ tục Việt Nam, hợp với tính cách của người Việt Nam. Theo tôi, mỗi dịch giả văn học phải là một “người nội trợ thông thái” khi ra thị trường chọn sách và mua sách để dịch. “Món sách” mà chúng ta chọn cho bạn đọc Việt Nam thưởng thức phải là “sách sạch” về mọi phương diện.
Nói thì đơn giản như vậy nhưng thực tế không đơn giản chút nào. Có khi tôi phải đọc hàng chục cuốn sách mới chọn được một cuốn ưng ý để dịch. Có thể nói, chọn được một cuốn sách như vậy là người dịch đã thành công đến một nửa rồi. Đặc biệt, khi chọn sách người dịch phải bám sát tiêu chí lựa chọn của mình. Có những cuốn sách được giải thưởng lớn, thuộc dạng bán chạy ở nước sở tại nhưng vì nhiều lý do khác nhau, chưa chắc đã là hay với người đọc Việt Nam. Thực tế cho thấy, có tác phẩm được giải Nobel văn học nhưng khi ấn hành ở Việt Nam lại không được người đọc mặn mà tìm đọc.
Cho nên, tôi xin nhắc lại, mỗi dịch giả hãy là một “người nội trợ thông thái” trong dịch thuật và phải chọn đúng và chọn trúng sách để dịch. Đó cũng chính là một cách thể hiện rõ văn hóa trong dịch thuật!
- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.