(HNM) - Hiện nay, Hà Nội cũ có 100% xã, phường và Hà Tây cũ có khoảng 60% xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Nếu làm một cuộc điều tra nhỏ, có thể thấy một thực tế khác so với báo cáo thống kê.
Ở một số nơi, UBND đã ra quyết định thành lập nhưng TTHTCĐ hoạt động lay lắt vì không biết dựa vào đâu. Cán bộ chính quyền chủ chốt thì bận nên thậm chí chỉ xin họ bố trí cho một buổi họp với cán bộ cốt cán của tổ dân phố để tuyên truyền nhận thức về trung tâm mà có tới... hai năm rưỡi qua vẫn không được chấp nhận. Nếu cấp trên yêu cầu báo cáo thì họ lấy thành tích của các đoàn thể chính trị xã hội cộng lại, vì chức năng thứ tư của TTHTCĐ là "phối hợp" (!).
Ngày 18-5-2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 112/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010" và chỉ rõ "Phát triển bền vững và nhân rộng mô hình TTHTCĐ trên các địa bàn xã, phường, thị trấn trong cả nước" và đến năm 2010 đạt được 5 mục tiêu cơ bản, trong đó "trên 80% các xã, phường, thị trấn trong cả nước xây dựng được TTHTCĐ". Hơn 3 năm rưỡi đã qua, nhiều nơi chưa có trung tâm, một số trung tâm đã ra đời nhưng chỉ là hình thức, song điều quan trọng là chất lượng hoạt động như thế nào, nhất là ở phường, thị trấn khi nhiều người cho rằng mô hình này chỉ phù hợp với nông thôn, ngoại thành.
Ngày 24-3-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ra Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT ban hành "Quy chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ tại xã, phường, thị trấn". Quy chế đã quy định một số điểm hoàn toàn mới và khác với các địa phương đã làm trước đó. Quy chế đã ban hành được một năm rưỡi và như báo cáo tổng kết năm học 2008-2009 thì ngành giáo dục thường xuyên thành phố Hà Nội đã "tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập", tổ chức triển khai quy chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ ban hành theo Quyết định số 09 của Bộ GD&ĐT, Thông tư số 96 của Bộ Tài chính hướng dẫn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các đồng chí lãnh đạo sở, ngành có liên quan, lãnh đạo UBND quận, huyện, phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trong toàn thành phố; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ trình UBND thành phố các chế độ, chính sách cho TTHTCĐ và hoạt động của trung tâm học tập thường xuyên tại địa phương", nhưng tại sao các TTHTCĐ chưa nhận được hướng dẫn? Bởi thế, lấy cớ chưa có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, chưa có hướng dẫn thực hiện quy chế, nên UBND các xã, phường, thị trấn vốn đã ít quan tâm nay càng bỏ mặc.
Tổ chức như thế là đem con bỏ chợ hay bệnh thành tích, hay là cả hai?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.