(HNMO) - "Vua bóng đá" Pele từng 3 lần vô địch World Cup qua đời ở tuổi 82 hôm 29-12 (giờ địa phương). Sự ra đi của một trong những biểu tượng bất diệt đối với bóng đá Brazil và thế giới để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng gia đình, bạn bè và hàng triệu người hâm mộ.
Người cách mạng hóa bóng đá
Là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất môn thể thao vua, những phẩm chất hàng đầu của Pele đã mê hoặc người hâm mộ và khiến các đối thủ phải kinh ngạc suốt sự nghiệp thi đấu gần 2 thập kỷ của ông. Ông còn được biết đến với tư cách là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho câu lạc bộ Santos và tuyển quốc gia Brazil.
Phong cách thi đấu, tinh thần thể thao và những bước chạy đầy "ma thuật" của Pele khiến tất cả phải sững sờ. Ông là người cách mạng hóa bóng đá, khoác lên mình môn thể thao đầy tính cạnh tranh khốc liệt nét tinh tế của vũ điệu Samba ngay trên sân cỏ.
Với tài năng xuất phát từ đam mê và khổ luyện, Pele đã góp phần đưa nền bóng đá Brazil chạm đến đỉnh cao, trước khi trở thành đại sứ toàn cầu của môn thể thao này. Trong nhiều cuộc trò chuyện về những cầu thủ vĩ đại nhất, Maradona, Messi và Ronaldo luôn là 3 cái tên được nhắc đến bên cạnh ông.
Tài năng và tầm ảnh hưởng
Pele tên thật là Edson Arantes do Nascimento, sinh ngày 23-10-1940 tại thành phố Tres Coracoes thuộc bang Minas Gerais, Brazil. Hành trình của ông đến với môn thể thao này xuất phát từ đam mê với quả bóng làm từ tất nhồi đầy báo hoặc giẻ vụn khắp các con phố bang Sao Paulo.
Tài năng chớm nở của Pele thu hút sự chú ý khi ông mới 11 tuổi. Cơ duyên đã đến khi một cầu thủ chuyên nghiệp địa phương giới thiệu Pele với đội trẻ của Santos. Năm 1956, ông ra mắt người hâm mộ trong đội một của chính câu lạc bộ này và nhanh chóng được công nhận dù thua xa lớp đàn anh về tuổi đời và tuổi nghề.
World Cup 1958 ở Thụy Điển là "sân chơi" khắc tên tuổi Pele lên bản đồ bóng đá thế giới. Ở độ tuổi 17, trẻ nhất trong lịch sử giải đấu này, ông khiến tất cả phải thán phục khi lập cú đúp ở chiến thắng 5-2 của Brazil trước quốc gia chủ nhà tại trận chung kết.
Bốn năm sau, Brazil bảo vệ thành công ngôi vô địch trên đất Chile. Tại giải này, những chấn thương khiến Pele chỉ có thể đá 2 trận cho đội tuyển quê nhà. Năm 1970, Brazil lọt vào chung kết với Italia. Pele ghi bàn mở tỷ số, trước khi thực hiện tuyệt phẩm kiến tạo để Carlos Alberto "kết liễu" đối thủ với tỷ số cách biệt 4-1.
Danh tiếng và tầm ảnh hưởng của Pele lớn đến mức các phe phái trong cuộc nội chiến ở Nigeria thậm chí đã đồng ý ngừng bắn để ông có thể thi đấu một trận giao hữu tại quốc gia này vào năm 1967.
Năm 1986, Pele đến thăm Washington (Mỹ) nhằm mục đích thúc đẩy sự phổ biến của bóng đá tại khu vực Bắc Mỹ. Tại cuộc gặp ở Phòng Xanh, Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan đã chủ động giới thiệu bản thân nhưng đề nghị huyền thoại bóng đá không làm điều tương tự với lý do "mọi người đều biết Pele là ai".
Pele chính thức giải nghệ vào ngày 1-10-1977. Sau khi rời sân cỏ, ông được biết đến trên cương vị Bộ trưởng đặc biệt về thể thao của Brazil, doanh nhân giàu có, đại sứ của UNESCO và Liên hợp quốc. Ngoài ra, Pele cũng góp mặt trong một số bộ phim, sáng tác nhiều bài hát và ghi đĩa những bản nhạc Brazil nổi tiếng.
"Ngôi sao" đã tắt
Pele, người luôn dẫn đầu ở những chuẩn mực về vẻ đẹp trong bóng đá, đã trải qua quá trình điều trị ung thư ruột kết từ năm 2021. Cuối tháng 11 vừa qua, ông phải nhập viện vì căn bệnh nguy hiểm gây nhiều biến chứng.
Hồi tuần trước, Bệnh viện Albert Einstein thông báo, sức khỏe của Pele xấu đi do bệnh tiếp tục tiến triển. Ông qua đời hôm 29-12 (giờ địa phương) do chứng suy đa tạng. Joe Fraga, người đại diện của Pele, đã chính thức xác nhận thông tin này.
Hình ảnh Pele trong chiếc áo thi đấu màu vàng chói lọi của đội tuyển Brazil sẽ sống mãi trong tâm trí hàng triệu người hâm mộ bóng đá thế giới. "Ngôi sao" đã tắt, huyền thoại đã về với Chúa, nhưng ông sẽ mãi được nhớ đến với tư cách là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử, hoặc chỉ đơn giản là một cầu thủ với cách ăn mừng bàn thắng đặc trưng bằng một cú nhảy cùng nắm tay phải giơ cao qua đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.