(HNM) - Pakistan đang chao đảo sau phán quyết của Tòa án Tối cao nước này ngày 19-6, phế truất thủ tướng đương nhiệm Yousuf Raza Gilani với cáo buộc Thủ tướng Y.R.Gilani nhạo báng bộ máy tư pháp khi không chấp hành phán quyết trước đó của tòa án.
Sự kiện phế truất thủ tướng của tòa án ngay lập tức tạo ra cơn sóng dữ dội trên chính trường Pakistan. Một ngày sau quyết định gây chấn động này, đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của Tổng thống Asif Ali Zardari đã tức tốc đề cử ông Makhdoom Shahabuddin, một lãnh đạo cấp cao của đảng vào chức thủ tướng. Dự kiến, hôm nay (22-6), Tổng thống A.A.Zardari sẽ triệu tập phiên họp quốc hội để bầu thủ tướng mới.
Sự ra đi của Thủ tướng Y.R.Gilani (người đang vẫy chào) chưa thể khẳng định khủng hoảng chính trị tại Pakistan sẽ lắng dịu. |
Dẫu phản ứng của Tổng thống A.A.Zardari được cho là kịp thời nhằm tránh cho quốc gia Nam Á này rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới, nhưng như vậy dường như vẫn chưa đủ để chính trường Pakistan tránh được những hệ lụy.
Trong bối cảnh Pakistan đang đối mặt với những thách thức an ninh và khó khăn về kinh tế do giá cả và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao thì "cơn sóng" mới nổi có nguy cơ đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng mới không mong đợi. Theo phán quyết của tòa án, ông Y.R.Gilani sẽ không được nắm giữ các chức vụ của cơ quan công quyền trong vòng 5 năm và phải chấp hành phán quyết trên của Tòa án Tối cao trong thời hạn 30 ngày. Chính phủ đương nhiệm Pakistan sẽ bị giải tán ngay lập tức do tư cách thủ tướng của ông Y.R.Gilani đã bị bãi bỏ. Cho dù Tổng thống A.A.Zardari có thể lấp ngay khoảng trống quyền lực bằng một thủ tướng mới thì bộ máy của chính phủ Islamabad cũng khó dễ dàng vận hành êm xuôi.
Thực tế, "cơn địa chấn" trên chính trường Pakistan đã được cảnh báo từ trung tuần tháng 2-2012, khi Tòa án Tối cao Pakistan chính thức cáo buộc Thủ tướng Y.R.Gilani coi thường yêu cầu của tòa về mở lại hồ sơ các vụ hối lộ liên quan đến Tổng thống A.A.Zardari. Tranh cãi giữa hai cơ quan hành pháp và lập pháp cao nhất đất nước nổ ra từ tháng 12-2009, khi Tòa án Tối cao Pakistan hủy bỏ một luật ân xá và ra lệnh điều tra lại ông A.A.Zardari và vợ quá cố của ông, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto bị cáo buộc sử dụng tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ để rửa khoản tiền hối lộ 12 tỷ USD từ một số công ty được biết đến với tên gọi: vụ bê bối "memogate". Năm 2008, phía Thụy Sĩ đã đóng các hồ sơ liên quan khi ông A.A.Zardari trở thành Tổng thống Pakistan và một công tố viên Thụy Sĩ cho biết không thể mở lại hồ sơ chừng nào Tổng thống A.A.Zardari còn tại vị và được hưởng quyền miễn truy tố. Nhưng Tòa án Tối cao Pakistan không ngừng thúc giục chính phủ mở lại các hồ sơ trên. Vụ việc đã đẩy chính trường nước này lún sâu vào mâu thuẫn. Rất may sau đó, mâu thuẫn đã lắng dịu khi các điều tra viên của Tòa án Tối cao Pakistan bác bỏ khả năng tới Mỹ thu thập lời khai nhân chứng. Doanh nghiệp Mỹ Mansoor Ijaz, nhân chứng chính trong vụ này cũng đã từ chối làm chứng tại Pakistan với viện dẫn lo ngại về an toàn cá nhân. Nhưng vụ việc lại được xới lên hồi cuối tháng 4 vừa qua khi Tòa án Tối cao Pakistan tổ chức phiên xét xử ông Y.R.Gilani với cáo buộc không chấp hành quyết định của tòa. Thời điểm đó, các thành viên Chính phủ Islamabad đã chỉ trích các thẩm phán đã vượt quá thẩm quyền, cố tình hạ bệ thủ tướng và tổng thống. Và vụ việc đã bị đẩy lên cao trào với phán quyết truất tư cách thủ tướng của ông Y.R.Gilani như vừa diễn ra.
Trong bối cảnh rối ren hiện nay, dư luận Pakistan cho rằng, đảng PPP đã quyết định "hy sinh" ông Y.R.Gilani để bảo vệ Tổng thống A.A.Zardari, người đang phải đối mặt với rắc rối chính trị lớn nhất kể từ khi nhậm chức năm 2008, liên quan đến một bức thư mật được cho là gửi đến Lầu Năm Góc (Mỹ) hồi tháng 5-2011 nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để hạn chế quyền lực của giới quân sự Pakistan. Trong vụ này, Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani, người được cho là gần gũi với Tổng thống A.A.Zardari, đã phải từ chức và hiện cơ quan điều tra của tòa án đang làm rõ người phải chịu trách nhiệm về bức thư mật nói trên.
Sự ra đi của ông Y.R.Gilani dự báo chính trường Pakistan chưa thể bình yên trong thời gian tới. Và toàn bộ sự việc gây chấn động chính trường nước này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, báo hiệu một thời kỳ mới với không ít biến động tại quốc gia Nam Á này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.