(HNM) - Chắc hẳn bạn đã từng một lần tỉ mẩn ngồi gấp một con hạc giấy bé xíu với ước mong cầu sự may mắn và bình an đến với những người thân yêu của mình, hoặc gấp những tờ tiền xếp hình trái tim với nhiều màu và nhiều kiểu loại để tặng bạn bè phải không?
Đó chính là một phần nhỏ trong vô vàn hình mẫu của một môn nghệ thuật có tên là Origami, tuy mới xuất hiện ở Hà Nội những năm gần đây nhưng đã thu hút được một số lượng khá đông người tham gia.
Bạn có thể làm gì chỉ với một tờ giấy?
Câu trả lời là: rất nhiều thứ. Tôi đã bị bất ngờ khi khi Phạm Vũ Dũng, sinh viên năm cuối trường của ĐH Kiến trúc Hà Nội, PP thành viên của Vietnam Origami Group (VOG) đưa cho tôi xem những sản phẩm mà Dũng và các thành viên trong nhóm gấp từ một mẩu giấy đơn sơ. Một chú đại bàng hùng dũng, cánh sải rộng, đôi mắt sáng quắc thị uy, một con rồng huyền thoại với đầy đủ vẩy, râu, sừng và móng vuốt đang uốn mình dũng mãnh, một người phụ nữ đứng bồng con cánh tay bao bọc và che chở, những con vật nuôi đáng yêu với những nếp gấp giống thật đến từng chi tiết… tất cả được gấp chỉ bằng một tờ giấy vuông, không cắt dán hay ghép với một tờ giấy khác. Chính vì đặc điểm độc đáo này mà đã có người ví von môn nghệ thuật gấp giấy này tương tự như... định luật bảo toàn năng lượng: những mẩu giấy xếp không hề bị cắt xén hay thêm thắt vào mà chỉ biến hóa thành những hình dạng khác nhau. Để có được một mẫu gấp giấy hoàn hảo bạn phải có một loại giấy đặc biệt, mỏng và dai, bởi vì khi xếp những mẫu trên 100 bước thì có những chỗ nó sẽ dày lên rất nhiều, nếu giấy mỏng thì sẽ đỡ dày hơn, và dai sẽ không bị rách giấy. Hiện nay, ở Việt Nam rất ít loại giấy này nên các bạn thường sử dụng chủ yếu là giấy nhăn bán trên phố Hàng Mã giá khoảng 1500đ - 4000đ/khổ giấy 64x64 cm, có nhiều màu sắc để chọn lựa. Có 1 loại giấy nữa cũng rất tốt là giấy bạc bao thuốc lá, nó mỏng và có lớp bạc nên giữ nếp tốt, tuy nhiên kích cỡ lại nhỏ nên không được dùng phổ biến.
“Đôi khi cũng không cần quá phức tạp và cầu kỳ, miễn sao chinh phục mọi người bằng vẻ đẹp của mẫu là bạn đã thành công rồi” Dũng thổ lộ. Và với nhiều thành viên khác của VOG thì vẻ đẹp đích thực của Origami nằm ở sự đơn sơ, mộc mạc nhưng phải bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết mới có. Bỏ qua việc phải đau đầu tỉ mẩn lựa chọn loại giấy gấp sao cho phù hợpvới hình mẫu, dân gấp giấy có “đẳng cấp” bao giờ cũng bỏ khá nhiều thời gian để nghiên cứu sâu kiểu hình mình định gấp sao cho sống động và giống thật nhất. Có thành viên còn tận dụng khả năng Anh ngữ khá trôi chảy của mình để dịch các tài liệu của nước ngoài về Origami để gấp được những hình mẫu độc đáo cũng như chia sẻ với các thành viên trong nhóm. “Đừng nghĩ chỉ cần khéo tay là có thể thành công bởi Origami còn đòi hỏi những kiến thức liên quan đến toán học và những chiêm nghiệm về cuộc sống. Nếu họa sĩ thể hiện cách nhìn về cuộc sống qua những nét vẽ thì nghệ nhân xếp giấy thể hiện qua những nếp gấp. Để có được những mẫu mới thường tốn rất nhiều thời gian suy nghĩ, tìm tòi, thậm chí có mẫu phải gấp đi, gấp lại hàng chục lần mới đạt”, một thành viên khác tâm sự. Thế nên có một điều chắc chắn là nếu đã đam mê và theo đuổi môn nghệ thuật này, ngoài sự khéo tay cùng óc thẩm mỹ, thì nhất định bạnphải làngười kiên nhẫn.Có kiên nhẫn bạn mới có khả năng ngồi hàng giờ trước một mẩu giấy, vuốt vuốt, gấp gấp sao cho ra được một hình như mong muốn, nếu không thực sự đam mê thì chuyện “giữa đường đứt gánh” là điều dễ hiểu.Điều đặc biệt của môn nghệ thuật này nằm ở chỗ cùng một mẫu vật, ai cũng có thể làm theo gấp theo nhưng để nó đẹp và nhất là để nó mang một dấu ấn cá nhân đòi hỏi rất cao sự sáng tạo của người thể hiện. Vậy mới có chuyện, cũng chất liệu đó, cũng mẫu đó nhưng có người xếp thành con vật hiền lành, dễ thương, có người xếp lại thấy thành ra hung dữ. Chính vì thế mà Origami ngày càng thu hút được đông đảo bạn trẻ tham gia, bởi như một thành viên của VOG tâm sự: “Origami đã giúp tôi hiểu ra làm cái gì cũng phải thứ tự, có nguyên tắc và cũng rèn được cho mình tính kiên nhẫn và kỹ lưỡng hơn”. Hì hụi hàng giờ, có khi là hàng tuần mới có được một mẫu gấp ưng ý nhưng bù lại, niềm vui càng tăng khi vượt qua hành trình khó để hoàn thành tác phẩm sinh động y như thật và “trình làng” với “đồng môn”. Và có lẽ hạnh phúc đích thực với dân yêu Origami là khi thả hồn trong lúc gấp: “Thật khó diễn tả, giống như vừa chinh phục được một đỉnh núi vậy”...
Khi mới đến với môn nghệ thuật mới mẻ này, Dũng cứ nghĩ chắc chẳng ai có sở thích kì lạ giống mình cho tới khi gia nhập VOG và nhận ra xung quanh mình còn có rất nhiều người khác cũng yêu thích Origami. Ra đời từ tháng 3-2005, VOG đã nhanh chóng trở thành ngôi nhà chung cho những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật xếp giấy đến từ Nhật Bản. “Với Origami thì không có giới hạn không gian hay tuổi tác vì tinh thần đoàn kết là trên hết”, đó là suy nghĩ chung của nhiều thành viên khi tìm đến VOG và điều dễ thấy nhất là số lượng hàng trăm thành viên rải rác từ Bắc chí Nam, thậm chí có thành viên ở xa nửa vòng trái đất nhưng vẫn “kết nối” chặt chẽ với nhau thông qua diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm cũng như cập nhật thông tin về Origami... trong số đó, học sinh phổ thông, sinh viên chiếm đa số và có cả những thành viên đã đi làm như Lê Nhật Anh, Quang Dũng... hay có người thuộc hàng “băm” như “lão tướng” Đinh Trường Giang nhưng tâm hồn vẫn tươi trẻ qua các mẫu xếp rất sinh động.Tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” thể hiện càng rõ khi VOG lần lượt tổ chức đại hội Origami tại Hà Nội rồi Thành phố Hồ Chí Minh. Những lần Đại hội diễn ra ở Hà Nội, tuy ở xa, nhưng các thành viên miền Nam vẫn hưởng ứng bằng cách gửi các mẫu gấp qua đường bưu điện cho “đồng môn”, giúp phần trưng bày thêm phong phú. Ngược lại, khi Sài Gòn tổ chức họp mặt, các thành viên phía Bắc cũng tích cực tham gia. “Origami là một nghệ thuật nhẹ nhàng và tỉ mỉ. Nó đã chứng minh trong rất nhiều trường hợp có tác dụng làm êm dịu thần kinh, chữa bệnh mất ngủ và chống stress. Với nhiều người, Origami là thứ giải trí rất hữu hiệu, đặc biệt khi sáng tác một mẫu mới: tự do bay bổng, tự do tìm kiếm một thứ gì đó, mang màu sắc của riêng mình. Khi tự tay hoàn thành một mẫu khó, hay tự tay sáng tác một mẫu hay, thì cảm giác thật thích thú. Em chỉ mong nghệ thuật gấp giấy được nhiều người biết tới và tham gia. Đó là thú vui lành mạnh, tô điểm thêm cho cuộc sống bằng những hình gấp nho nhỏ ngộ nghĩnh”. Đây là tâm sự rất thật của một bạn trẻ khi tham gia diễn đàn VOG và điều quan trọng mà các thành viên đều mong muốn làm thế nào để ngày càng nhiều bạn trẻ thật sự yêu thích và tìm đến với môn nghệ thuật này, “chung tay phát triển Origami Việt chứ không để bị xem như những kẻ rỗi hơi, chơi trò trẻ con vớ vẩn…”
HƯƠNG LAN
Trong tiếng Nhật Origami được cấu tạo từ hai từ Oru (gấp) và Kami (giấy). Và hiện nay, Origami được biết đến trên khắp thế giới như một môn nghệ thuật tạo hình với giấy không sử dụng kéo hay nói nôm na, Origami là nghệ thuật xếp giấy hoàn toàn bằng tay. Nó xuất hiện từ bao giờ và ở đâu, không ai nói được chính xác. Một số tài liệu cổ cho thấy người Trung Quốc đã có những tác phẩm theo phong cách Origami đầu tiên nhưng Nhật Bản mới chính là quê hương của Origami. Người ta cho rằng chính những bức thư cuộn hình ống và buộc cẩn thận cùng hai đầu được gấp tinh tế và chiếc quạt giấy cũng đã có thể coi là sản phẩm đầu tiên của origami và rằng lối cắt và xếp những tấm vải thẳng tạo nên chiếc kimono của Nhật cũng thể hiện khái niệm cơ bản của nghệ thuật Origami. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.