(HNM) - Hơn 1.700 dân thôn Đống, Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) bằng lá phiếu của mình, thống nhất bầu ông Đỗ Đức Khải, một cựu chiến binh, 5 nhiệm kỳ làm trưởng thôn liên tục. Tám chục đảng viên của chi bộ cũng
Thôn Đống là một làng cổ nghìn năm gắn liền với tên nôm Kẻ Noi. Đô thị hóa tạo nên cuộc sắp xếp lại kiến trúc thôn, làng, cấu trúc dân cư, nhiều người nói vui "làm trưởng thôn phải có thêm sáu tay, bảy nghề", bởi chỉ riêng chuyện liên quan đến đất đai cũng đã bộn bề, bức xúc vậy mà ông Khải đã giải quyết được nhiều việc và chính từ đó được người dân càng tin tưởng, tín nhiệm, các dự án trên địa bàn cũng không bị ách tắc.
Đất đai vẫn là tài sản lớn nhất của người dân. Thế rồi, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, nhiều nội dung chính sách còn bất cập, chồng chéo. Cùng một thửa ruộng, nhưng hệ số đền bù lại khác nhau. Đất nhiều nơi thu hồi xong, để treo hàng chục năm bỏ hoang, tiền đền bù thì tính theo thời điểm thu hồi đất, đến khi bắt đầu xây dựng thì giá đất đã gấp 5-10 lần lúc thu hồi… Người dân thôn Đống không khỏi chần chừ, băn khoăn khi các dự án được triển khai trên địa bàn, đồng đất của quê hương mình.
Trong năm 2009 và 2010, dân thôn Đống nằm trong diện thu hồi đất thực hiện 5 dự án gồm cả công trình phúc lợi, đường giao thông, khu đô thị. Mỗi dự án lại có mức đền bù khác nhau theo mục đích sử dụng. Nếu là công trình của nhà nước mức đền bù thấp hơn nhiều so với dự án của doanh nghiệp. Nhiều người bức xúc, so sánh thiệt hơn. Ông Khải đã tạo mọi điều kiện để mọi người được tiếp xúc trực tiếp các văn bản của TƯ, của TP, giải thích cặn kẽ về quyền lợi nghĩa vụ của người dân đối với công trình công cộng. Ông tổ chức cùng những hộ có đất bị thu hồi gặp ban giải phóng mặt bằng để được giải thích những vướng mắc, tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân. Ông Khải còn huy động các tổ chức đoàn thể trong thôn đến từng nhà vận động bà con, đồng thời tìm hiểu nguyện vọng của từng hộ. Ông cũng phát hiện những khó khăn của chủ dự án đề nghị khắc phục kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người dân. Như việc, chủ đầu tư vận động các hộ bị thu hồi đất đến nhận nơi định cư mới, nhưng thực tế nơi đó vẫn là bãi hoang đầy hố sâu. Ông kiên quyết đề nghị chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước, không thể để dân khiếu kiện được. Phải tổ chức cán bộ đi đến từng nhà giải thích, vận động từng người, khi dân đồng tình, chủ đầu tư chấp thuận, bảo đảm đúng chính sách và quy định thì mới yên.
Đất nông nghiệp bị thu hồi, hàng trăm lao động không có việc làm. Trẻ thì không đủ trình độ văn hóa để học nghề. 40-50 tuổi thì không còn sức để chuyển nghề, ông Khải thừa nhận, giải quyết việc làm cho lao động dôi dư do thu hồi đất nông nghiệp là một việc khó đối với trưởng thôn. Nghề may của làng đã có từ hàng trăm năm, nay phát triển thành những công ty, có cả hàng xuất khẩu, sức cạnh tranh rất lớn, cần nhiều thợ giỏi, trưởng thôn lại động viên từng người, từng nhà vươn lên để giữ nghề. Rồi nhiều thửa đất không đủ điều kiện để cấy được lúa nữa, đất xen kẹp giữa các dự án chỉ còn lác đác những cụm chuối và cau vua. Trưởng thôn lại lội đồng khảo sát rồi động viên bà con trồng rau đưa vào bữa ăn, để vừa sạch lại không mất tiền mua, "đây là biện pháp đưa việc chống "lạm phát" đến từng nhà" - ông Khải nói vui thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.