Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ông Nhơn ơi, đừng tuyệt vọng!

Kim Vũ| 03/12/2013 06:52

(HNM) - Không ai nghĩ ở độ tuổi 82, ông lại mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo từ phôi nhiễm chất độc da cam dioxin với những biến chứng suy tim độ 3 và bệnh tiểu đường hành hạ ngót 30 năm nay.


Ngôi nhà của ông Phan Cảnh Nhơn nằm sâu trong con ngách nhỏ phố Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy). Đồ đạc trong nhà được sắp đặt rất gọn gàng, ngăn nắp, nhưng không thể khỏa lấp được sự đơn sơ của một gia đình với rất nhiều khó khăn chồng chất. Bà Võ Thị Kim Thoa (74 tuổi) - vợ của ông sống đời sống thực vật từ 10 năm nay. Con trai duy nhất là anh Phan Vũ Cần sức khỏe cũng không được tốt. Cháu trai Phan Tuệ Minh vừa chào đời đã bị thiểu năng trí tuệ, dù đã 5 tuổi nhưng Minh không biết nói, không biết đi. Vậy là trong ngôi nhà nhỏ ấy chỉ còn lại người con dâu là chị Vi Thị Tho, giáo viên đã nghỉ việc có sức khỏe ổn định. Dù sức khỏe yếu, bệnh tim luôn hành hạ nhưng ông Phan Cảnh Nhơn không chịu khuất phục. Những lúc khỏe, ông tranh thủ phụ giúp con dâu như đi chợ hoặc ngồi bón cho bà từng thìa cháo.

Nghĩ về gia cảnh, ông ngân ngấn nước mắt. Năm 1995 ông phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam. Nhìn lại, ông thấy đắng lòng khi ở tuổi 82, cả gia đình đều phải trông chờ vào 7 triệu đồng là tiền lương hưu và tiền trợ cấp cho người bị nhiễm chất độc da cam. Cả nhà chật vật trong chi tiêu với khoản lương duy nhất nên ông cũng bỏ qua những loại thuốc bổ trợ cho bệnh tật. Sức khỏe ngày càng giảm sút, mỗi lần cơn đau hành hạ, gương mặt ông lại tím tái, nhịp tim tăng mạnh khiến chân tay run rẩy. Cháu trai ông vẫn phải chữa chạy ở Bệnh viện Nhi trung ương. Ngoài ra, hằng tháng, ông phải mua ô xy trợ thở cho người vợ, mua thuốc trợ tim, tiểu đường hằng ngày. Mọi khó khăn đều đè lên vai ông và người con dâu.

Nhưng lúc này ông không thể ngã quỵ, vẫn phải "chiến đấu" với bệnh tật vì những người thân yêu rất cần sự có mặt của ông trong cuộc đời. Đưa cho tôi quyển sách có lời bài hát: "Tôi ơi, đừng tuyệt vọng" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nói đó là món ăn tinh thần lớn nhất của ông, nhất là những lúc ông bi quan, tuyệt vọng. Chào ông ra về, đi qua con ngõ nhỏ, nhìn ngôi nhà đã nhuốm màu vôi cũ, tôi phân vân, không biết tới đây, khi ông không còn đủ sức để "chiến đấu" với bệnh tật, khi ông không còn là chỗ dựa của 3 người thân nhất trong gia đình, thì ngôi nhà ấy sẽ ra sao?

Hoàn cảnh của ông Phan Cảnh Nhơn rất cần sự chia sẻ của cộng đồng.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi theo địa chỉ: Ông Phan Cảnh Nhơn, số nhà 109, ngách A4, ngõ 72 đường Dương Quảng Hàm, Quan Hoa, Cầu Giấy Hà Nội. Điện thoại: 043.8335716. Hoặc Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Số tài khoản: 10 20100 000 26356 - Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ông Nhơn ơi, đừng tuyệt vọng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.