Đó là ông Nguyễn Hữu Khang ở 61 phố Hàng Đường, con phố ngọt ngào nhất Kinh kỳ với những lọ ô mai- chua chua, mằn mặn- đầy cảm giác thơ dại mỗi khi ngang qua.
Ở phố Hàng Da, Hà Trung suốt mấy mươi năm qua vẫn có người làm việc này. Nhưng ở đó, người ta thường thay luôn cái mới và hiếm khi nhận “sửa, chữa”. Chỉ đến cái ông thợ kia, người Hà Nội mới thực sự có một chân dung về nghề. Hệt như cái phố của Phái- chỉ Bùi Xuân Phái thôi- mới làm nao lòng người phố cổ!
Không ít người ngạc nhiên rằng, trong thời điểm hiện nay khi cái sự biến "hóa" từ đâu đó đã gõ cửa từng nhà mà chẳng hiểu mô tê ra sao- như: xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa bảo tàng và tới đây sẽ còn xã hội hóa cả kiến trúc, khai khoáng và đầu tư nữa… lại có người còn sửa chữa chỉ cái phéc-mơ-tuya. Một cuộc "thăm dò" cá nhân mới đây cho thấy, cứ 10 người được hỏi: “Anh (chị, cả bác nữa) có biết hàng chữa phéc-mơ-tuya ở đâu không?”, thì có đến 9 người cười lăn mà rằng:
- Thay béng cho xong. Ai đời bây giờ còn đi sửa, với chữa cái của nợ ấy làm gì. Rõ lẩn thẩn!
Cố giải thích rằng:
-Nhưng, không muốn thay, chỉ muốn sửa thôi thì sao?
Cũng bằng ấy tỉ lệ (9/10), lắc đầu:
- Chịu!
Thế mới biết Hà Nội không quá xa vời, luôn ở đâu đây, thật gần gặn đến độ bị lãng quên.
Ngót nửa thế kỷ, con phố tôi qua đổi thay nhiều, chỉ ông thợ vẫn không rời, đổi vị trí. Thủa còn bám gấu áo mẹ lên chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, đã thấy ông ngồi đó, nhưng không có cái biển hiệu ra dáng như bây giờ.
Theo thời gian, thợ khắc bút bên hồ Gươm, thợ hàn nồi, hàn xoong, hàn bát, đĩa rồi hàn dép nhựa... trong phố cũ đã giải nghệ từ đời tám hoánh. Nghề chữa khóa, cắt tóc, mài dao nay phải theo “công nghệ cao” để tồn tại. Duy cái nghề chữa phéc-mơ-tuya trên phố kia vẫn cổ lỗ như mấy mươi năm trước; chỉ mấy thứ kìm, búa là lúc nào cũng “mới” vì được lau chùi hàng ngày. “Mới” là bởi, chữa xong cái “phéc”, chiếc áo định diện với bạn trai tối nay lại bẩn do vết kìm, “dấu” tay thì có mà nghe ca cẩm đến xấu hổ với hàng phố; thậm chí còn bị bắt đền nữa là khác.
Thật tương phản, con phố như luôn trẻ nhờ thêm những sắc mới; trong khi ông thợ ngày một chậm rãi hơn bên những kìm, khóa mà có thời ông phải nhờ cả cánh “Hàng không” mới mua được để phục vụ bà con biết tiếng. Ông “chọn nghề” này cho riêng mình từ những năm 1960, trước khi Hà Nội quen với tiếng loa truyền thanh, nay đã thành kỷ niệm: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý ! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số! Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu!"
Ông luôn tự hào: - Khách đến tớ, không có gì để buồn!"
Ai đời, cái khóa phéc-mơ-tuya cũng “bảo hành”, thì buồn sao được. Đám bạn rượu, bạn cà phê góc phố và những người quá vãng cho thế là gàn. ông bỏ ngoài tai tất, cứ lẽo đẽo theo cái nghề đã tìm được cớ để yêu và tồn tại rằng, chính ta đã “sáng tạo” ra nó- nghề chữa phéc-mơ-tuya- trên con phố, dù không hy vọng người nối nghiệp. Cái cớ nữa ông tìm được cũng thật Hà Nội, giản dị và ăm ắp tình:- Giúp người ta giữ một kỷ niệm thời chiến; hoặc cái túi đang “phát tài phát lộc” là một việc đáng làm lắm chứ!".
Ở một phố gần đó, từ lâu tôi là khách bất đắc dĩ của ông. Hồi còn mài đũng trên ghế nhà trường là cái cặp học trò, sau này là một vài cái túi nghề được tặng từ những miền xa lắc. Lâu lâu tôi lại có dịp gặp ông để hóng chuyện nghề khi cái khóa túi bị hỏng. Thứ triết lý “kỷ niệm” - cổ lỗ như: ăn quả nhớ người trồng cây- được ông “thực hành” từ nhiều năm qua đã khiến ông không bỏ nghề. Mặc cho cái băng “Bảo vệ” đỏ chói của tổ dân phố kia- lúc nào cũng được ông treo cẩn thận nơi góc tủ cùng với đủ loại kìm- mới là nghề khai trên giấy tờ và được hàng phố thừa nhận nơi ông. Khách trời Tây, mãi chân tháp ép-phen của Ba Lê hoa lệ cũng nhớ tới ông, gửi cả “các-bô-tan” để tỏ lòng ngưỡng mộ chỉ qua mỗi chiếc răng nhựa chẳng ai buồn để mắt. Thì ra, trong cái phồn hoa đô hội, người ta nhớ nhiều hơn những cung bậc trầm. Nơi có tiếng đời thủ thỉ rõ và thật hơn ở những chốn đèn màu.
Chỉ trong khoảng giập miếng trầu đã có 3 khách đến. Người đầu tiên là một thiếu nữ sửa chiếc phéc-mơ-tuya “cá sấu” của chiếc áo gió đã rụng chừng mươi răng.
- Mới chớm Thu, người Hà Nội đã lo Đông rồi! Ông lẩm bẩm.
Chủ nhân chiếc áo cẩn thận hỏi:
- Bác có sửa được không?
Bằng cái nhìn độ lượng- qua cặp kính dày cộp của một người lâu năm “trong nghề” cùng nụ cười dễ làm vui lây kẻ đối thoại, ông thủng thẳng:
- Được, được!
Vào tuần đầu của Tháng Bảy âm lịch (chẳng là năm nay nhuận hai tháng Bảy) đây đó hai màu đỏ - vàng náo nức của Ngày Độc lập 2-9 đã dăng ngang phố. Chăm chú ngay vào công việc, ông bắt đầu gỡ chiếc “răng cá sấu” đầu tiên. Bỗng cô gái muốn xin một cái hẹn. Không ngẩng đầu, ông đáp:
- Hai mươi phút nữa, cô lại!
Cô gái chắc ở số nhà nào đó gần đấy lộ vẻ mãn nguyện, đi về cuối phố trong tiếng dặn với của ông thợ:
- Đúng giờ đấy nhé!
Lời dặn với của ông thấy gần gũi quá. Cái hẹn đúng giờ với chất giọng mộc mạc của ông thợ khiến bộ máy hành chính cấp phường, quận, thậm chí hàng tỉnh ở ta- đang được hối thúc chạy hết công suất trong một nỗ lực cải cách- nếu nghe được ắt phải xấu hổ.
Người thứ hai là một đôi vợ chồng trẻ. Vừa đỗ xịch cái “đai- lần” màu mận bên vỉa hè, người vợ đã tất tả:
- Bác giúp cháu cái này.
Cô đưa vội cho ông chiếc áo mỏng dính nằm gọn trong lòng tay.
- Mười lăm phút nữa cô lại.
Cô gái vội lên xe. Đứa bé kháu khỉnh ở phía trước, hai tay bám chặt cái ốp nhựa cứ ngoái nhìn ông thợ khi người chồng vít ga theo đường một chiều, vù về phía chợ Đồng Xuân.
Vừa nhổ tiếp cái răng khóa tí tẹo từ chiếc áo gió, ông vừa nói:
- Mùa hè hoặc đầu thu thế này mới có thời gian chuyện gẫu, chứ mùa đông thì...
Mới biết, cái nghề làm dâu trăm họ này cũng “thời vụ” như ai. Bận gớm!
Người thứ ba, cũng một cô gái, lại một chiếc áo mỏng nữa và cũng nhận được một cái hẹn chóng vánh.
Bao nhiêu người, trong đó không ít các cô gái Hà Nội- như tôi vừa chứng kiến- đã trở nên kín đáo hơn, đỡ lạnh hơn khi trên phố nhờ công việc sẽ bị lãng quên của ông thợ nơi đây(?). Thêm một mùa bánh Trung thu nữa vừa về. Ông thợ vẫn ở đó, miệt mài- như hình ảnh một Hà Nội thu nhỏ với tất cả sự nghèo khó, tằn tiện, dấu yêu vốn có- đang thay mới chỉ một cái răng phéc-mơ-tuya đã hỏng!
Thu 2006
Bài và ảnh:Khánh Lâm
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.