Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị đề nghị mức án chung thân

TTXVN/Vietnam+| 16/10/2010 20:03

Tiếp tục phiên xét xử đối với Huỳnh Ngọc Sĩ về tội “nhận hối lộ” trong vụ bê bối tại Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã dành trọn sáng 16/10 cho phần tranh luận.

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ bị dẫn giải ra xe dành cho phạm nhân. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN).

Tiếp tục phiên xét xử đối với Huỳnh Ngọc Sĩ về tội “nhận hối lộ” trong vụ bê bối tại Ban quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã dành trọn sáng 16/10 cho phần tranh luận.

Giữ nguyên quan điểm truy tố như bản cáo trạng, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quyền công tố tại phiên tòa theo ủy quyền của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ mức án chung thân về tội “nhận hối lộ,” tịch thu sung công quỹ số tiền 262.000 USD (tương đương hơn 4 tỷ đồng vào thời điểm xảy ra vụ việc) mà Sĩ đã nhận từ quan chức Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI).

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cũng xác định, bản cáo trạng đã truy tố đúng người, đúng tội; hành vi phạm tội của bị cáo Sĩ là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng cũng như mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản.

Mức án đề nghị này là đã tham chiếu các tình tiết giảm nhẹ hình phạt như lý lịch nhân thân, quá trình tham gia cách mạng, một số đóng góp nhất định trong công tác của bị cáo Sĩ; đáng lẽ cần phải xử phạt bị cáo này mức án cao nhất là tử hình.

Bào chữa cho bị cáo Sĩ, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng có sự khác biệt về mặt luật pháp giữa Việt Nam với Nhật Bản, trong khi các quan chức PCI đã bị tòa án Tokyo tuyên phạt 1-2 năm tù treo về tội “cạnh tranh không lành mạnh” thì ở Việt Nam, Huỳnh Ngọc Sĩ bị xét xử về tội “nhận hối lộ” và bị Công tố viên đề nghị mức án chung thân.

Trong bối cảnh hai nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, Hội đồng xét xử cũng cần phải có những đánh giá khách quan chứng cứ vốn là những lời khai của quan chức PCI được lấy từ tòa án Tokyo và được phiên dịch; cần xem xét giá trị pháp lý của chúng cũng như chất lượng các bản dịch thuật.

Luật sư bào chữa đề nghị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân xem xét lại quyết định tách 6 hành vi nhận hối lộ cũng như quyết định đình chỉ vụ án đưa hối lộ đối với quan chức PCI; cần chứng minh cụ thể địa điểm, thời gian các lần bị cáo Sĩ thỏa thuận, bàn bạc và nhận tiền từ quan chức PCI; việc bị cáo Sĩ có biết và nói tiếng Anh hay không trong quá trình “giao dịch” với những quan chức này cũng như việc PCI “nhập cảnh” 80.000 USD từ Nhật Bản qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất để dùng cho việc “lót tay” ông Sĩ.

Luật sư Trần Văn Tạo và Phạm Công Út cũng đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân và Hội đồng xét xử xem xét các chứng cứ buộc tội, cho rằng đây là những chứng cứ yếu, thiếu, không khách quan và cần thiết phải giám định các bản dịch thuật.

Huỳnh Ngọc Sĩ đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân làm rõ các vấn đề bị cáo đồng ý duyệt mức lương chuyên gia theo đề xuất của PCI, việc bị cáo chỉ định thầu là theo văn bản chứ không phải tự ý, việc ký duyệt tạm ứng tiền cho PCI là đúng hay sai.

Ông Sĩ nói “không thể cứ nghe người này khai thế này, người kia khai thế kia thì buộc tội một con người, mức án Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị là quá nặng.”

Trong lời nói sau cùng, Sĩ tiếp tục chối tội, kêu oan, đề nghị Hội đồng xét xử minh oan cho bị cáo bằng một phán quyết công bằng và sáng suốt. Bị cáo cũng không quên kể các thành tích công tác, lý lịch nhân thân, thậm chí là tâm huyết trong công việc, đặc biệt với Dự án Đại lộ Đông Tây.

Trong phần hồi đáp, đại viện Viện Kiểm sát Nhân dân đã bác ý kiến của các luật sư, khẳng định việc tách hành vi nhận hối lộ ra 6 lần, quyết định đình chỉ vụ án đưa hối lộ với quan chức PCI cũng như lời khai của các quan chức này là có cơ sở, đúng với pháp luật Việt Nam, có giá trị pháp lý và đã được Bộ Tư pháp Việt Nam xác định là nguồn chứng cứ.

Về địa điểm, thời gian cụ thể chứng minh Sĩ nhận hối lộ đã được bản cáo trạng xác định là trong cùng ngày 28/5/2003, với số tiền là 262.000 USD, nên không cần thiết phải làm rõ thêm nữa.

Viện Kiểm sát Nhân dân khẳng định bản chất vụ án không hề thay đổi, tuy nhiên sau đó đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân đã xin rút lại một phần nội dung bản cáo trạng truy tố bị cáo Sĩ ký duyệt hợp đồng tạm ứng vốn cho PCI khi chưa có bản nghiệm thu các giai đoạn dự án.

Vào 9 giờ sáng ngày 18/10, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị đề nghị mức án chung thân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.