Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ông Bổng Hàng Buồm

LANHUONG| 27/10/2004 16:58

Đó là cách gọi tên mà những văn nghệ sĩ tài hoa Hà Nội xưa nay vẫn dành cho một người sưu tập có tên Phạm Văn Bổng. Ông có bộ sưu tập rất lạ về những người đã góp phần làm nên diện mạo văn hoá Việt Nam những năm sau Cách mạng Tháng Tám.

Đó là cách gọi tên mà những văn nghệ sĩ tài hoa Hà Nội xưa nay vẫn dành cho một người sưu tập có tên Phạm Văn Bổng. Ông có bộ sưu tập rất lạ về những người đã góp phần làm nên diện mạo văn hoá Việt Nam những năm sau Cách mạng Tháng Tám.

Có một người pháp binh rất trẻ, tràn ngập ước vọng sống tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua những ngày trận mạc khói lửa, giây phút lịch sử đã đến trên chiến trường ngổn ngang bom đạn. Hân hoan trong niềm vui chiến thắng, người pháo binh theo đoàn quân đi qua đống đổ nát và chợt sững người trước một bức hoạ đẹp, trang trọng treo trong phòng một viên tướng Pháp. Có một cái gì tươi mát, trong trẻo và thiêng liêng dấy lên trong tâm hồn ngưòi pháo binh trẻ tuổi. Anh khéo léo gỡ bực hoạ ra khỏi nơi ám thuốc súng, cuộn lại cẩn thận rồi cất kỹ trong ba lô. Kể từ sau đó, khi đã trở về với cuộc sống đời thường, cảm xúc ấy vẫn nguyên vẹn trong anh, hướng anh đến với hội hoạ, thơ văn và sức sống mãnh liệt của nó. Chỉ có điều, anh không trở thành một hoạ sĩ, một nhà thơ hay một nhà văn mà là người luôn sống bên cạnh họ: người sưu tập.

Nhiều năm sau, giữa những năm 60, ông Bổng cùng gia đình chuyển từ Hà Bắc về Hà Nội, trong căn gác 2 ở ngõ 93 phố Hàng Buồm. Căn phòng chỉ vẻn vẹn 20m2, cũ kỹ, ẩm tối nhưng là địa chỉ quen thuộc của hầu hết những văn nhân, hoạ sĩ thời bấy giờ. Bên hoạ có Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Giáo, Trịnh Cung... Bên văn có Nguyễn Tuân, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Trần Dần... Bên nhạc có Văn Cao... Đức Minh, Bá Đạm, ông Huệ tóc bạc là những nhà sưu tập cùng thời cũng hay ghé lại chơi.

Họ là những người làm nên cốt cách, tinh thần của cuộc sống nhưng lúc bấy giờ chỉ là những văn nhân, hoạ sĩ nghèo, lắm khi chẳng có đủ tiền mua sơn, mua toile để vẽ, cũng chẳng có sẵn điếu thuốc hay chén cuốc lủi nhâm nhi ấm bụng những ngày mùa đông. Lúc đầu, ông Bổng đến với họ không phải tư cách một người sưu tập mà là một ngưòi bạn tâm giao. Chơi với nhau trước hết vì cái tình, yêu quý nhau bằng tấm lòng chân thật và sự cảm phục tài năng. Bút tích của họ được gửi gắm vào tay ông như một lẽ tự nhiên để rồi dưới sự chỉnh lý, sắp xếp của nhà sưu tập, cuộc đời và sự nghiệp của họ dần hiện ra chân thực và sống động.

Trong bộ sưu tạp của ông Bổng Hàng Buồm có đến vài chục tác phẩm lớn nhỏ của danh hoạ Bùi Xuân Phái. Bùi Xuân Phái là hoạ sĩ lớn, ngoài đề tại phố cổ đã làm nên tên gọi Phố Phái, sinh thời, hoạ sĩ thường hay vẽ chân dung, đặc biệt là chân dung ở khổ nhỏ. Những bức chân dung hoạ hình bạn bè, người thân ngoài giá trị nghệ thuật còn là vật kỷ niệm.

Nhiều ký hoạ chân dung vẽ dở bị hoạ sĩ không ưng ý bỏ đi nhưng với con mắt của một nhà sưu tập, ông Bổng giữ lại và nâng niu tất cả bởi ông cho rằng nó được vẽ ra trong hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau nên vẫn là thần thái của một phong cách. Đối với Bùi Xuân Phái, những phố cổ Hà Nội, những nhân vật sân khấu chèo, chân dung, chữ ký của chính mình đều là những đề tài bất tận, thưòng được thể hiện ở khuôn khổ nhỏ. Tất cả đều trở thành những phương tiện đáp ứng lòng ham muốn được vẽ vào bất cứ lúc nào. Ông Bổng là người có công sưu tập tất cả các bút tích ấy chứ không chỉ dừng lại ở những tác phẩm hoàn chỉnh.

Có lẽ bộ sưu tập về hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là hoàn chỉnh hơn cả vì ông quen biết Nguyễn Tư Nghiêm từ lúc hoạ sĩ mới cầm cọ vẽ. Ngay từ ngày ấy ông đã phát hiện được "chất" của Nguyễn Tư Nghiêm cho dù khi rất thành danh, hoạ sĩ này vẫn không có được công chúng rộng rãi như những đồng nghiệp khác. Tranh của Nguyễn Tư Nghiêm rất kén người chơi. Những bức nổi tiếng như Thuý Kiều - Kim Trọng, Múa cổ, Bộ tranh con giống sau này đã làm lên tên tuổi của hoạ sĩ đều được ông Bổng trân trọng giữ cả bản thảo đến bản chính.

Các tác phẩm của Nguyễn Sáng cũng chiếm một vị trí quan trọng, tiêu biểu trong bộ sưu tập, bao gồm các ký hoạ, tranh sơn mài, sơn dầu, tranh thơ. Trong bộ sưu tập này cũng có tác phẩm trừu tượng duy nhất của Nguyễn Sáng mang tên Vũ trụ. Giá trị của những bộ sưu tập của ông Bổng Hàng Buồm không nằm ở giá trị bức tranh, về mặt này có lẽ ông không sánh được với những nhà sưu tập nổi tiếng khác cùng thời nhưng quan trọng là tính độc đáo của nó. Ông đã có công sưu tập tất cả những ý tưởng khác nhau, những hoàn cảnh xuất xứ khác nhau, những cảm hứng của hoạ sĩ đôi khi chỉ trong một đề tài hoặc một mảng đề tài.

Có rất nhiều thư hay mẩu giấy nhỏ ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở của các hoạ sĩ trong quá trình sáng tạo đều trở thành đối tượng được ông Bổng sưu tập. Ví như bức thư của Lưu Công Nhân viết năm 1974 khi hoạ sĩ bắt đầu suy nghĩ về hội hoạ trừu tượng.

Phần bút tích, bản thảo của giới văn chương mà ông sưu tập được nhiều nhất có lẽ là của nhà văn Nguyễn Tuân. Có khi ông đến chỗ nhà văn lấy, có khi nhà văn tự tay mang đến nhưng nhiều khi Nguyễn Tuân nhờ ngưòi cầm đến. Và như thế, bao giờ cũng nhắn nhủ mấy dòng trên mẩu giấy hay vỏ bao diêm. Khi là thông tin trao đổi, Nguyễn Tuân viết: "Nhân tiện ông có thừa chiếc bát cổ nào không, cho xin một chiếc", khi là tấm chân tình: "Gửi ông Bổng Hàng Buồm chai nước mắm để ông ăn Tết. Và 1 tập bản thảo để ông so sánh với bản thật xem có khác nhau không, xem thú vị ở chỗ nào."

Ông Bổng giữ không thiếu bản thảo nào trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân. Tất cả được ông sắp xếp lại cẩn thận, tự tay đóng xén thành quyển và sắp xếp qui củ như ngưòi ta xếp các ô thuốc bắc. Nửa thế kỷ đã trôi qua, thư viện nhỏ vẫn nguyên vẹn ngay cả khi phải sơ tán. Trang giấy đen kẻ dòng xanh lợn cợn vệt rơm ép của thời khốn khó vẫn phẳng phiu nguyên vẹn, nét chì gần như không phai.

Năm 1986 vừa in xong "Tướng về hưu", nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tình cờ được giới thiệu với ông Bổng và hai ngưòi trở nên thân thiết. Như có chút dự cảm về những "đứa con tinh thần" của mình, Nguyễn Huy Thiệp đưa hết bản thảo cho ông Bổng giữ. Đối với nhà văn, ông già sưu tập có gu thẩm mỹ khác lạ so với mọi người. Từ năm 1987-1990, nhà văn đã gửi ông gần 20 bản thảo truyện ngắn và kịch với lý do đó là người duy nhất gìn giữ bản thảo một cách trân trọng như thế. Duyên bút mực thường gắn với những số phận long đong, những khi ấy, nhà sưu tập cũng không tránh khỏi hệ luỵ.

Hà Nội đang đổi thay từng ngày. Ngõ nhỏ 93 Hàng Buồm vẫn rêu phong ẩm ướt ngay cả những ngày trời chang chang nắng. Những bậc cầu thang lên căn gác nhỏ tầng 2 đã lõm mòn theo thời gian giờ đây thưa dần dấu chân các văn nhân, tài tử. Phần vì nhiều người nay đã khuất, phần vì đàm đạo văn chương nay đã khác xưa. Thêm vào đó, nhà sưu tập đã mắc bệnh tuổi già. Gác nhỏ cũng đã khác: rộng rãi hơn, có hơi hướng cuộc sống hiện đại với nội thất sang trọng. Duy có một điều, những người bạn ngày xưa của nhà sưu tập vẫn hiện diện đầy đủ, không thiếu một ai qua những khung gỗ trang trọng treo trên tường nhà. Đây là sự sắp xếp của con trai út nhà sưu tập - người "tiếp quản" công việc cha khi ông không còn đủ sức khỏe.

Anh vẫn nhớ như in cái thủơ lên 9, lên 10 được theo bố đi khắp mọi nơi. Có lúc chính anh không hiểu vì sao căn nhà vốn chật chội lại cứ thêm bừa lên vì những mẩu giấy chỉ ghi vài chữ vụn vặt. Trong khi thiên hạ chung nỗi lo cơm áo gạo tiền, mong cơm ăn đủ no, áo mặc đủ ấm thì cha anh lại làm cái việc theo thiên hạ nói là "chẳng đáng đồng tiền bát gạo". Lúc khó khăn, tranh có người hỏi mua rất được giá ông lại bảo không bao giờ bán. Đến bây giờ, khi những bức tranh xưa kia đổi bằng vài bao thuốc lá hiếm hoi hay một cái khung xe đạp đã thực sự có giá, được trả hàng chục ngàn USD thì chính anh lại không chịu bán đi.

Dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, báo Văn nghệ mượn ông Bổng bản in kẽm tác phẩm của tất cả các hoạ sĩ trước đây đã từng vẽminh hoạ cho báo. Triển lãm Việt Nam thế kỷ 20 (năm 2000) tổ chức ở Brucxen (Bỉ), Hội đồng Châu Âu cũng mượn trong bộ sưu tập của ông 84 tác phẩm- số lượng lớn nhất kể cả so với Bảo tàng Mỹ thuật. Đó là những lúc người ta đánh giá được công việc thầm lặng mà có ích của ông. Có thể việc tìm kiếm, lưu giữ những tư liệu về cuộc đời của những người làm nên diện mạo văn hoá không thể chỉ trông vào một cá nhân, nhưng một mình ông Bổng đã làm được việc đó, thay vì một tập thể. Những nhà văn trẻ vẫn đang "vào" bộ sưu tập của ông hiện nay là Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Thị Hoài.

Huyền Thương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Ông Bổng Hàng Buồm

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.