(HNNN) - Cách đây hơn 70 năm, phát biểu tại hội nghị thống nhất hai tổ chức Việt Minh và Hội Liên Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói đó đã khái quát một chân lý, đồng thời trở thành “ngọn đuốc soi đường” cho toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết bắt nguồn từ hai yếu tố: Tinh thần yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Như Người đã nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đương đầu với rất nhiều cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang. Song dù bạo tàn, hung hãn đến đâu thì cuối cùng chúng đều phải cúi đầu trước ý chí kiên cường của người Việt. Phải khẳng định, tinh thần yêu nước, đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tinh thần yêu nước, đoàn kết đã trở thành lẽ sống của người Việt Nam, gắn chặt vận mệnh mỗi cá nhân với vận mệnh dân tộc, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.
2. Một nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đại đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người; tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của dân, “lấy dân làm gốc”... Xác định tư tưởng Hồ Chí Minh là “ngọn đuốc soi đường”, Ðảng ta luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Chỉ thị nhấn mạnh: “Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”. Ngày 10-9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời, thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Nói về vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.
Kể từ khi thành lập Hội Phản đế Đồng minh đến nay, đã hơn 91 năm đồng hành cùng dân tộc với nhiều tên gọi, hình thức khác nhau để phù hợp với đòi hỏi thực tiễn cách mạng nhưng Mặt trận Tổ quốc luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân, không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đã tập hợp, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau này.
Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành động lực của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Ðường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa. Các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” tiếp tục được khẳng định, phát huy, giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục gặt hái những thành tựu nổi bật, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
3. Phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động, triển khai nhiều chương trình, hoạt động hết sức ý nghĩa, cùng cả nước chăm lo, giúp đỡ người nghèo, gia đình khó khăn, cùng các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn được hưởng ứng nhiệt tình trên mọi miền Tổ quốc mà minh chứng sống động nhất chính là kêu gọi ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, các đợt kêu gọi giúp đỡ nhân dân vùng thiên tai, bão lũ.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm nay, vai trò của Mặt trận Tổ quốc càng được khẳng định. Đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo những nguy cơ bất ổn. Thế nhưng, phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống “tương thân, tương ái”, cộng đồng cả nước đã chung tay, góp sức, hỗ trợ những người dân, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (diễn ra ngày 16-8-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, lây lan, bùng phát ở nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan nhà nước ra lời kêu gọi, tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái” trong nhân dân, góp công, góp sức, góp tiền ủng hộ tuyến đầu phòng, chống dịch, bổ sung nguồn kinh phí của Chính phủ mua vắc xin phòng dịch, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng và đẩy lùi đại dịch Covid-19”.
Với tinh thần: “Đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa, toàn dân tộc muôn người như một”, chắc chắn đất nước ta, dân tộc ta sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhằm sẻ chia, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Hà Nội đã phát động, tiếp nhận trên 5,61 tỷ đồng tiền mặt ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, trao tặng 6.338 bộ máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... cho các học sinh khó khăn. Quỹ “Vì người nghèo” tiếp nhận trên 27 tỷ đồng. 371 Nhà Đại đoàn kết đã được xây dựng, sửa chữa, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội đã trích 4 tỷ đồng do Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) ủng hộ để hỗ trợ xây dựng 100 Nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 11 huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.