(HNM)- Ông Vũ Đình Hưng, chủ cửa hiệu oản đường Quảng Hưng, số 66 Đồng Xuân, thừa nhận, tuy đã gắn bó với công việc làm oản gần như cả cuộc đời, nhưng thực sự ông không biết nghề này có từ bao giờ. Ông chỉ biết rằng, ngay từ trước khi ông ra đời, gia đình ông đã có nghề làm oản đường.
Ông Hưng ước đoán, nghề làm oản đã gắn bó với gia đình ông ít nhất là 150 năm rồi. Ông Hưng còn nhớ mãi trong ký ức thời thơ ấu, khu phố Đồng Xuân nơi ông ở, có đến 5-6 nhà cùng làm oản đường như gia đình ông. ấn tượng nhất là vào những dịp cuối năm cũ, đầu năm mới hàng hóa bầy kín các cửa hiệu, sắc giấy gói oản xanh, đỏ, tím, vàng rực rỡ cả một đoạn phố. Lúc lớn hơn một chút, mấy anh em ông được bố mẹ giao việc, mỗi ngày ngoài chuyện học, mỗi người phải gói 2 nghìn cái oản. Thế mà, năm nay ông đã ở tuổi ngoài 70...
Hương, hoa, oản, quả là bốn thứ đồ lễ không thể thiếu của các cụ ngày xưa mỗi khi đi lễ chùa. Trong bốn thứ đồ lễ đó, nén hương thắp lên là tượng trưng cho nghi lễ, hoa mang đến vẻ đẹp mà đất trời ban tặng, quả là đại diện của sản vật quê hương, và oản được làm từ hạt gạo nếp thơm lừng là đại diện cho nguồn lương thực nuôi sống con người. Người hành lễ ước nguyện, dâng lên Phật thánh, tổ tiên những vật phẩm tinh túy nhất, những vật phẩm đại diện cho những giá trị tốt đẹp nhất làm nên cuộc sống. Là lễ vật dùng để dâng cúng, oản luôn được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, loại gạo ngon nhất hạng trong các thứ thóc gạo được trồng cấy ở Việt Nam. Ngoài ra,còn có thành phần là đường và va-ni.
Đưa tôi đi xem nơi sản xuất oản của gia đình trên tầng thượng của ngôi nhà 66 Đồng Xuân, ông Hưng kể, từ khi được cha mẹ truyền nghề đến nay, gia đình ông vẫn luôn giữ gìn theo đúng cách làm oản truyền thống. Gạo nếp cái hoa vàng mua về đem ngâm trong nước rồi để ráo và rang cho nở ra như bỏng. Để cho bột gạo sau khi xay vẫn giữ được màu trắng tinh ngần, ông phải rang gạo với một ít cát, vừa làm tăng nhiệt vừa không làm gạo bị cháy vàng. Sau đó, xay bỏng gạo đã rang chín thành bột mịn. Đường để làm oản được gia đình ông lựa chọn là đường tinh khiết, loại đường kính được nhà sản xuất khử kỹ, không còn độ chua. Vẫn với công thức mà ông Hưng được cha mẹ mình truyền lại là một bát ăn cơm nước pha lẫn 1kg đường kính, ông đem đun sôi nước đường trong 5-10 phút, cho đến khi dùng tay có thể kéo đường ra thành sợi tơ là được. Bước tiếp theo, ông cho một lượng va-ni vừa đủ vào đường để oản làm ra có mùi thơm dịu. Để nguội đường trong 10 phút, ông đã làm xong công đoạn hoán đường, để có một loại bột đường sền sệt, mịn mượt không khác bột xay. Với 1 lạng đường đã hoán, ông trộn với 1 lạng bột để có được hỗn hợp bột ở dạng bông, xốp và dẻo dùng để đóng thành oản. Bước cuối cùng là dùng khuôn gỗ, hoặc khuôn đồng đóng oản, để ráo rồi gói oản vào giấy bóng kính màu. Đằng đẵng mấy chục năm làm nghề được cha mẹ truyền lại, chưa bao giờ ông làm sai công thức ấy. Cho dù, bây giờ nhiều người dùng bột khoai, bột sắn trộn lẫn bột gạo nếp, dùng loại đường kém chất lượng pha bột để hạ giá thành sản phẩm, thì gia đình ông vẫn không thể làm khác với những gì được truyền dạy. Ông Hưng luôn tâm niệm, làm ra những sản phẩm để dâng cúng Phật Thánh, tổ tiên phải thật tinh khiết, không bao giờ ông cho phép mình được làm giả mạo. Kể cả khi, vì tinh chọn nguyên liệu giá thành lên cao mà ở phố Đồng Xuân trước kia có 5,6 nhà làm oản giờ chỉ còn 2, ông cũng không thay đổi cách làm. Đến cái mặt trang trí trên chiếc oản, ông cũng vẫn làm y nguyên theo lối của các cụ ngày xưa. Nếu như nhiều cơ sở làm oản khác thường sử dụng các loại giấy giả trang kim dán lên trên mặt oản, ông Hưng vẫn cầu kỳ mua các loại giấy trang kim bằng đồng giát mỏng của người làng Phú Thứ (Hà Tây) rồi trổ lên một chữ thọ để dán vào mỗi cái oản. Ông Hưng bảo làm thế là không hạ được giá thành, nhưng không hiểu sao ông không thể làm khác những quy cách cổ truyền được truyền lại. Thế nhưng, với những ai đã biết đến thương hiệu oản đường Quảng Hưng nổi tiếng từ lâu đời,thì luôn hiểu họ đã lựa chọn được những sản phẩm thực sự chất lượng để hành lễ. Vì thế mà nhiều người từ Huế, Sài Gòn, nơi không có nghề làm oản, cũng tìm đến nhà ông Hưng để mua cho được loại oản thật tốt để dâng lễ.
Cả cuộc đời làm ra những vật phẩm để dâng cúng Phật Thánh tổ tiên, ông Hưng nhận thấy cáicách làm phải luôn luôn thật thà, đúng đắn, cái lối làm ăn quanh năm chăm chỉ, chất phác đã nhuốm vào ông và cuộc sống của gia đình ông. Ông mừng vì từ trước đến nay bí quyết nghề tổ luôn được gia đình ông giữ gìn và hơn thế con cháu ông đứa nào đứa nấy đều trưởng thành, lương thiện, không làm ăn sai trái bao giờ. Chỉ có điều, ngần ấy năm gia đình ông cố gắng bằng mọi cách giữ gìn nghề truyền thống,giờ đây linh tính như mách bảo ông nghề làm oản đường truyền thống đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Nguy cơ đó một phần vì sự mất uy tín do những sản phẩm kém chất lượng, phần khác do thị hiếu của lớp trẻ đã thay đổi, quay lưng lại với những sản phẩm truyền thống.
Bài và ảnh:Hà My
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.